Sáng nay, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng 3 triệu đồng/lượng sau nhiều ngày 'im lặng'
Sáng nay, 18-7, giá vàng miếng SJC tại bốn ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC bất ngờ tăng 3 triệu đồng sau 6 tuần liên tiếp 'đóng đinh' ở mức 76,98 triệu đồng một lượng.
Cụ thể, lúc 9h30 sáng nay, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và Công ty SJC cùng niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 80 triệu đồng/lượng. Vậy là sau 6 tuần liên tiếp không thay đổi giá bán, đến nay giá vàng bình ổn mà NHNN bán ra không thể “đóng băng” được nữa trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục leo dốc.
So kè giá giữa vàng miếng và vàng nhẫn
Hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đang được Công ty SJC mua vào với giá 78,5 triệu đồng một lượng. Tức là những ai đã mua vàng với giá 76,98 triệu đồng lượng trong những ngày gần đây và giờ muốn bán ra cũng kiếm lời 1,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại các nhóm trao đổi mua bán vàng trên mạng xã hội, mức giá trao tay đổi với vàng miếng SJC đã bật lên trên 80 triệu đồng ở chiều mua và trên 81 triệu đồng ở chiều bán.
Trong khi đó, các loại vàng nhẫn 9999 đang được Công ty SJC niêm yết giá mua – bán ở mức 76 – 77,5 triệu đồng/lượng, tăng thêm 620.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua.
Còn tại Mi Hồng, vàng nhẫn tròn trơn lại giảm nhẹ 300.000 đồng ở chiều bán, nhưng không thay đổi giá mua vào, neo giá nhẫn 9999 ở mức 76,2 – 77,2 triệu đồng/lượng.
Như vậy, với việc điều chỉnh tăng giá của vàng miếng SJC quá mạnh so với biên độ tăng của vàng nhẫn 9999, đã khiến vàng miếng thương hiệu quốc gia trở nên đắt hơn vàng nhẫn thay vì thấp hơn như mấy phiên gần đây.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng dao động quanh mức 2.463 USD/ounce, thậm chí có thời điểm, kim loại quý màu vàng còn bật lên mức kỷ lục 2.482 USD/ounce. Quy đổi theo giá USD tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới dao động khoảng 75,4 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí).
Như vậy, giá vàng miếng SJC trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới là 2,6 triệu đồng thay vì chỉ vênh nhau chưa tới một triệu đồng một lượng như hôm qua.
Giá vàng thế giới hướng tới nhiều đỉnh cao mới
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thông thường khi đồng đôla Mỹ yếu hơn và lãi suất tại Mỹ thấp thường làm tăng sức hấp dẫn của vàng vật chất. Nhưng kể từ đầu năm 2022, mối quan hệ giữa vàng và lợi suất thực đã bị phá vỡ.
Ông Gregory Shearer, Trưởng phòng Chiến lược Kim loại cơ bản và Quý tại JP Morgan cho rằng, vàng có thể sớm chạm mốc 2.500 USD/ounce trong những tháng tới, sau đó có thể xảy ra những đợt tăng giá sớm hơn và mạnh hơn nhiều so với dự kiến.
Ông Shearer cho biết thêm: "Trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng, lệnh trừng phạt gia tăng, đang ngày càng thúc đẩy nhu cầu mua vàng ngày càng tăng".
Với giá vàng đang ở mức cao nhất mọi thời đại, JP Morgan nhận thấy tiềm năng lớn hơn nữa cho kim loại màu vàng này khi lãi suất tại Mỹ sớm bước vào chu kỳ giảm.
Bà Natasha Kaneva, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu tại JP Morgan cho biết: “Nhiều động lực hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng như lo ngại về thâm hụt tài chính của Mỹ, sự đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, phòng ngừa lạm phát và bối cảnh địa chính trị đang căng thẳng. Điều này đã đẩy giá vàng liên tục hướng tới những mốc cao kỷ lục mới trong năm nay mặc dù đồng đô la Mỹ mạnh hơn và lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn duy trì ở mức cao…”.
Theo ước tính mới nhất của JP Morgan Research, giá vàng hiện dự kiến sẽ đạt 2.500 USD/ounce vào cuối năm 2024. Ông Shearer cho biết: "Vàng vẫn đang hướng tới những mốc cao hơn trong các quý tới, dự báo giá trung bình là 2.500 USD/ounce trong quý IV năm 2024 và 2.600 USD/ounce vào năm 2025.
Dự đoán giá mới về giá vàng được dựa trên dự báo kinh tế mới nhất của JP Morgan, trong đó cho thấy lạm phát cơ bản của Mỹ sẽ giảm xuống còn 3,5% vào năm 2024 và 2,6% vào năm 2025.