Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Đồng Nai
Sáng 24.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2024, cùng những kiến nghị, đề xuất của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đã tăng 6,8%. Dự kiến cho cả năm 2024, GRDP sẽ tăng 7,2%, với GRDP bình quân đầu người đạt 148 triệu đồng/người/năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,37% so với cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 43,7 ngàn tỉ đồng, đạt 78% so với dự toán và tăng 11% so với cùng kỳ.
Các hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 15,6 tỉ USD. Tổng vốn đầu tư trong nước đạt trên 42 ngàn tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 34%.
Tình hình quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; công tác y tế - giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội thực hiện tốt.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong thời gian qua, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới cần nỗ lực phấn đấu để đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương phát triển kinh tế hàng đầu cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh việc phát huy tinh thần "3 tiên phong" trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tiên là phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược đồng bộ thông minh hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, hạ tầng giáo dục, hạ tầng số, hạ tầng chống biến đổi khí hậu; Thứ hai là về phát triển khoa học công nghệ, vận dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển lập nghiệp, khởi nghiệp, đào tạo chất lượng nguồn nhân lực cao, phát huy cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp; Thứ ba là tiên phong trong công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xanh, nhanh, bền vững, không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai bám sát đường lối, sự lãnh đạo và chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; rà soát các mục tiêu và nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội của tỉnh để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu. Tỉnh cần hoàn thiện và ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, xác định rõ các nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, công viên khoa học, trung tâm đào tạo và vườn ươm khởi nghiệp. Các khu công nghiệp cần được chuyển đổi theo hướng phát triển xanh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời Đồng Nai cần tăng cường liên kết vùng và quốc tế, khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp.
Về lĩnh vực văn hóa xã hội, cần làm tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, chăm lo cho người có công và hỗ trợ người nghèo. Đồng Nai cần tập trung phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là cho công nhân; tiếp tục giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác tôn giáo và dân tộc, bảo đảm sự đoàn kết và hòa hợp.
Việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nền tảng cho sự phát triển bền vững, đòi hỏi không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phải được chú trọng, đồng thời tập trung vào xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, cần đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín đủ để đáp ứng các nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Cùng với đó, việc thực hiện tốt công tác tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội sẽ góp phần duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.