'Sáng nay, tiệm làm tóc Hà Nội nhộn nhịp như 30 Tết'
Trái với cảnh vắng vẻ tại các nhà hàng, quán cà phê, một số cửa hàng làm tóc, gội đầu tấp nập, đông đúc khác thường.
Sáng 25/5, chị Hiền (42 tuổi), quản lý quán cà phê trong khu đô thị Times City, cùng vài nhân viên có mặt tại cửa hàng từ 8h để dọn dẹp, cất gọn bàn ghế.
Chỉ 4 tiếng nữa thôi, quán cà phê sẽ phải tạm thời đóng cửa nghỉ tránh dịch.
Đóng cửa chống dịch là điều tất yếu
“Đêm qua, khi nhận được công điện hỏa tốc của thành phố, lòng tôi hụt hẫng lắm, dù biết với tình hình dịch hiện nay, sớm muộn gì cũng đến ngày này”, chị Hiền chia sẻ với Zing.
Mặc dù quán nằm trong diện vẫn được mở bán mang về, công ty chị Hiền vẫn chọn cách đóng cửa hàng tạm thời để đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng, cũng như đội ngũ nhân viên.
Nữ quản lý cho biết tầm này, mở bán mang về cũng không có nhiều khách, mà chẳng may có ca dương tính ghé qua thì cửa hàng ảnh hưởng nặng nề hơn nữa.
“Tôi cũng muốn có thu nhập hàng tháng thật đấy. Nhưng vận hành quán trong thời điểm dịch bùng phát thế này, tôi thấy không yên tâm, dù đã dựng vách ngăn bằng nhựa và nghiêm túc thực hiện 5K. Số ca mắc ngày một nhiều, lại không rõ nguồn lây”, chị nói.
Trước chỉ thị mới của thành phố, hầu hết quán ăn uống trên đường phố Hà Nội đồng loạt treo biển “chỉ bán mang về”.
Bên trong một số cửa hàng, ghế ngồi được xếp úp lên bàn gọn gàng, chỉ để lại một số cái gần cửa ra vào để phục vụ các shipper đợi lấy đồ. Mặc dù 12h mới chính thức chỉ được bán mang về, không ít nơi đã ngừng nhận thực khách ăn trực tiếp tại quán từ sáng.
Hùng (26 tuổi), thu ngân kiêm shipper của một quán cơm trên phố Thanh Nhàn, cho biết từ đêm qua, anh và các nhân viên ca sáng đã nhận thông báo rằng cửa hàng sẽ không phục vụ khách đến dùng bữa trực tiếp.
Vừa dán thông báo “Chỉ bán mang về” khổ A3 trên cửa kính, anh vừa nói: “Tình hình dịch nguy hiểm thế này nên chị chủ quyết định vậy cũng đúng. Để khuyến khích khách mua mang về, quán tôi còn tặng mỗi suất ăn một cốc trà đào”.
Ngày cuối nhộn nhịp
Đối với những cơ sở dịch vụ như tiệm cắt tóc, gội đầu, khung cảnh sáng 25/5 lại có phần tấp nập hơn. Nhiều khách hàng tranh thủ “ngày cuối” để làm đẹp trước khi các cơ sở phải tạm thời ngừng hoạt động sau 12h.
“Hôm nay cứ như 30 Tết ấy, vừa đúng lịch hẹn của tôi, mà tiệm cắt tóc cho mình xong thì phải đóng cửa, nghỉ dài. Nhưng tạm dừng hoạt động cũng đúng thôi, sức khỏe cộng đồng là trên hết mà”, chị Minh (41 tuổi), một khách hàng đi làm tóc, cười nói.
Cách chị Minh một ghế, anh Đàm Anh (30 tuổi) cũng tranh thủ cắt sửa tóc trước giờ trưa. Ngồi trên ghế, anh có phần nôn nóng hơn mọi khi, lo lắng rằng đang cắt dở thì quán đóng cửa.
“Thông thường, cứ 2 tuần anh phải cắt tóc một lần. Hôm nay vừa hay tóc anh cần chỉnh trang, lại cũng là ‘cơ hội cuối’ trước khi quán quen đóng cửa chống dịch”, anh chia sẻ.
Nói với Zing, Linh (42 tuổi), quản lý một cửa hàng làm tóc trên phố Thanh Nhàn, cho biết việc tiệm vẫn nhận khách hàng đến làm đẹp là nằm ngoài kế hoạch.
“Thực ra hôm nay tôi và các nhân viên đến cửa hàng với tâm thế dọn dẹp để chuẩn bị đóng cửa lúc 12h. Tuy nhiên, có một số khách mong muốn được cắt tóc, chỉnh trang trước khi quán đóng cửa. Do đó, chúng tôi sắp xếp lịch phục vụ họ nốt đến gần trưa”, anh nói.
Anh cho biết từ khi dịch bùng phát vào năm 2020, hoạt động kinh doanh của tiệm gặp không ít khó khăn. Cũng may, bên cho thuê nhà là người quen nên salon tóc được hỗ trợ nhiều, nhất là về chi phí thuê mặt bằng. Họ thậm chí tạo điều kiện cho chậm 1-2 tháng tiền nhà.
“Sau những biến động năm vừa qua, salon tóc chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn tinh thần thu xếp đóng cửa, tạm ngừng hoạt động bất cứ lúc nào rồi. Thế nhưng, nói gì thì nói, chúng tôi đều rất buồn khi lại phải tạm xa công việc. Mong rằng dịch sớm ổn định để chúng tôi được tiếp tục hành nghề”, anh nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sang-nay-tiem-lam-toc-ha-noi-nhon-nhip-nhu-30-tet-post1219340.html