Sáng ngời khí tiết kiên trung và niềm tin mãnh liệt

Đồng chí Lương Khánh Thiện là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí luôn kiên cường đấu tranh vì lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân, là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Không khuất phục trước kẻ thù

Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13-10-1903, trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc phường Liêm Chính, TP Phủ Lý), tỉnh Hà Nam.

Chứng kiến cuộc sống khổ cực của nhân dân dưới ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, người thanh niên Lương Khánh Thiện sớm hình thành nhân cách, nghị lực và lý tưởng cách mạng cao đẹp.

Trong thời gian học tập tại Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng và làm thợ cơ khí tại Nhà máy Sợi (Nam Định) năm 1926, đồng chí tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh và tuyên truyền, giáo dục công nhân về nguồn gốc sự áp bức, bóc lột dã man của thực dân, đế quốc.

Sau khi được kết nạp vào chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng (năm 1929), đồng chí Lương Khánh Thiện được phân công phụ trách cơ sở Nhà máy Chai và trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động và đời sống công nhân.

 Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng” tại Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện năm 2023. Ảnh: tuyengiao.vn

Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng” tại Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện năm 2023. Ảnh: tuyengiao.vn

Đồng chí chỉ đạo và tổ chức các cuộc bãi công của công nhân kéo dài hàng tuần và được hưởng ứng rộng rãi trên địa bàn Hải Phòng, buộc giới chủ phải chấp nhận nhiều yêu sách của công nhân. Lo ngại sự bùng phát của các cuộc đấu tranh, bãi công nên chính quyền thực dân lùng bắt những người lãnh đạo phong trào công nhân. Tháng 6-1929, kẻ địch bắt đồng chí Lương Khánh Thiện, đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng.

Địch đã dùng mọi thủ đoạn, hình thức tra khảo, đánh đập, nhưng đồng chí kiên quyết giữ bí mật, nên chính quyền thực dân Pháp đưa đồng chí về xử ở Tòa đề hình tại Kiến An và kết án 2 năm tù giam, 5 năm đi đày biệt xứ.

Đến tháng 1-1931, chính quyền thực dân Pháp mở phiên tòa kết án đồng chí Lương Khánh Thiện mức án khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Trong tù, đồng chí luôn là người đi đầu đấu tranh và vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù hà khắc, xây dựng một số tổ chức quần chúng như Lao tù Hội, Hội đồng Thập tự, Ban trật tự... để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng.

Tháng 7-1931, đồng chí Lương Khánh Thiện và nhiều tù nhân chính trị bị địch đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo. Đồng chí bị giam ở Banh 2 cùng với các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Cừ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh...

Đồng chí Lương Khánh Thiện và những chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng; tổ chức học tập nâng cao kiến thức, lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin. Mặc dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ và tra tấn dã man nhưng đồng chí Lương Khánh Thiện luôn giữ khí tiết kiên trung, bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.

Trước sự đấu tranh quyết liệt của những chiến sĩ cộng sản trong nhà tù thực dân, tháng 9-1936, đồng chí Lương Khánh Thiện được trả tự do và bước vào chặng đường đấu tranh mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng.

Bám sát thực tiễn, xây dựng cơ sở, phát triển phong trào

Trở về Hà Nội, từ cuối năm 1936 đến 1937, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng tập thể Xứ ủy lâm thời và Thành ủy Hà Nội tích cực lãnh đạo các phong trào dân chủ, dân sinh. Hàng loạt cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân Hà Nội diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, nhằm mục tiêu đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi lập nghiệp đoàn...

Cùng với đó, đồng chí Lương Khánh Thiện còn tham gia lãnh đạo các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng ủng hộ, đưa người tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ (tháng 1-1937) và đã trúng cử với số phiếu cao. Đây là một thắng lợi của những chiến sĩ cộng sản trên lĩnh vực đấu tranh nghị trường.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ (từ tháng 3 đến tháng 9-1937), đồng chí Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo củng cố và hoàn thành việc kiện toàn Xứ ủy, đồng thời chăm lo đào tạo cán bộ để chuẩn bị lực lượng nhằm giữ vững và phát triển phong trào cách mạng.

Đồng chí đã bí mật tới các nhà máy, xóm làng tìm chọn những nhân tố tích cực để giác ngộ, đào tạo họ trở thành cán bộ của Đảng, đồng thời tuyên truyền cho họ biết về Đảng Cộng sản Đông Dương là đội tiền phong cách mạng, tập hợp những người ưu tú nhất trong các giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, những người trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng vào trận tuyến đấu tranh cách mạng.

Trên cương vị Ủy viên Thường vụ Liên xứ ủy Bắc Kỳ-Bắc Trung Kỳ và Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 11-1937, Xứ ủy Bắc Kỳ đổi thành Liên xứ ủy Bắc Kỳ-Bắc Trung Kỳ; đầu năm 1938, Liên xứ ủy Bắc Kỳ-Bắc Trung Kỳ giải thể, Xứ ủy Bắc Kỳ được tái lập), Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện đã cùng với các ủy viên Xứ ủy, ủy viên Thành ủy khẩn trương xây dựng, phát triển cơ sở đảng và tổ chức quần chúng; chỉ đạo phát triển tổ chức quần chúng, phong trào dân chủ và các phong trào đấu tranh công khai trong tình hình mới; tích cực chắp mối liên lạc với các đảng viên đang hoạt động ở Hà Nội; điều động đảng viên tăng cường vào các xí nghiệp, nhà máy, các ngành nghề và các vùng nông thôn ngoại thành; chỉ đạo thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và kết nạp đảng viên mới.

Tháng 9-1939, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được phân công bí mật lên Cát Trù, Cẩm Khê (Phú Thọ) để xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị địa bàn cho hoạt động bí mật của Đảng. Tại Phú Thọ, sau khi nghiên cứu, nắm bắt tình hình, đồng chí chọn chùa Trò (Cát Trù) làm địa điểm liên lạc và tổ chức chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Phú Thọ.

Tại đây, đồng chí tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, trực tiếp giảng bài chính trị, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tiến hành vận động cách mạng nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc cho nhiều quần chúng. Từ cuối năm 1939, thay mặt Xứ ủy, đồng chí Lương Khánh Thiện trực tiếp chỉ đạo xây dựng, quyết định thành lập 3 chi bộ đầu tiên của tỉnh Phú Thọ; đồng thời chỉ đạo thành lập chi bộ ở Nhà máy Bột giấy Việt Trì.

Trên cơ sở những chi bộ đảng mới được thành lập và những tổ chức cách mạng đã có, thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tổ chức Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Phú Thọ (tháng 3-1940), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng ở Phú Thọ.

Cuối năm 1940, được sự tín nhiệm, phân công của Đảng, đồng chí Lương Khánh Thiện nhận trọng trách làm Bí thư Khu B (còn gọi là Liên tỉnh B) và Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đồng chí đã bám sát địa bàn hoạt động, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia cách mạng, phát triển cơ sở cách mạng; in ấn và phát hành tờ báo Chiến đấu của Khu B, đưa tờ báo đến với nhiều chi bộ, các hội ái hữu và các đoàn thể.

Nhờ đó, kịp thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, cổ vũ, lan tỏa sâu rộng phong trào quần chúng. Tháng 6-1940, lãnh đạo Khu B quyết định thành lập Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Hải Dương, đánh dấu sự phát triển của các tổ chức đảng ở Khu B. Cuối năm 1940, đồng chí Lương Khánh Thiện chủ trì Hội nghị Khu B để thảo luận kế hoạch hưởng ứng cuộc đấu tranh Bắc Sơn và các vấn đề quan trọng khác.

Tháng 1-1941, trên đường đi công tác để nắm tình hình, chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt. Trước mọi cực hình tra tấn liên tục của kẻ thù, đồng chí vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất. Biết không thể khuất phục được đồng chí, ngày 1-9-1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí tại chân núi Áng Sơn (Kiến An, Hải Phòng).

Cuộc đời hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, trong các cao trào cách mạng từ năm 1930 đến 1941 thể hiện vai trò tiên phong của một nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí Lương Khánh Thiện đều nêu cao quyết tâm cách mạng, bám sát thực tiễn, xây dựng cơ sở, phát triển phong trào. Những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng, nhất là trong những thời điểm khó khăn, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của Đảng, đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

HOÀNG TÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/sang-ngoi-khi-tiet-kien-trung-va-niem-tin-manh-liet-746841