Sáng ngời mốc son Nam bộ kháng chiến
Cách đây 75 năm, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công các trụ sở chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta lần thứ 2. Quân, dân Sài Gòn - Gia Định dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ.
Nam bộ - “Thành đồng Tổ quốc”
Chỉ 3 tuần lễ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, thực hiện âm mưu xâm lược nước ta lần thứ hai. Nhân dân Nam bộ lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của dân tộc: Nam bộ kháng chiến.
Tiếng súng mở đầu ngày Nam bộ kháng chiến đã chấn động cả nước. Từ dao, súng, gậy tầm vông, giáo mác, những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân đã kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù bằng nhiều biện pháp.
Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm… Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ”. Lời kêu gọi của Người đã trở thành lời hiệu triệu uy dũng, thành tiếng kèn xung trận để nhân dân Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc, trong nước cũng như ngoài biên giới Việt Nam, đều đồng lòng sẵn sàng chia lửa với đồng bào Nam bộ trong buổi đầu khó khăn.
Nhắc về Nam bộ kháng chiến, ông Nguyễn Văn Vương (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) - cán bộ tiền khởi nghĩa, không giấu được niềm tự hào: “Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, dân, quân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định chiến đấu vô cùng anh dũng, giam chân địch trong khu vực nội thành suốt cả tháng trời. Trong khi đó, nhân dân Đức Hòa, Trung Huyện, Cần Giuộc cũng góp phần quan trọng trong việc bao vây, cản chân địch, bảo vệ và phát triển lực lượng của ta ở vùng ngoại ô thành phố”.
Cuối tháng 11/1945, cuộc hội nghị Xứ ủy mở rộng đưa ra một số quyết định quan trọng: Giải thể Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và thành lập Ủy ban Kháng chiến miền Nam; chia Nam bộ thành 3 quân khu (VII, VIII và IX); phát động chiến tranh du kích rộng khắp, củng cố lực lượng vũ trang, tiến hành diệt tề, trừ gian để hỗ trợ việc xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể cách mạng bí mật trong vùng địch tạm chiếm.
Với vị trí địa lý đặc biệt của mình, trong giai đoạn này, vùng đất Tân An - Chợ Lớn một lần nữa được vinh dự gánh vác nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa không những cho phong trào cách mạng của tỉnh mà còn cho cả khu, thành phố Sài Gòn và Nam bộ.
Quân địch không ngừng sử dụng mọi thủ đoạn và sức mạnh hòng bóp nghẹt ý chí chiến đấu, đập tan lực lượng kháng chiến của ta. Nhưng với tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, quân và dân miền Nam đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng ta đề ra. Tháng 02/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”.
Tiếp nối truyền thống anh hùng
Ý chí quật cường của đồng bào Nam bộ trong ngày 23/9/1945 bằng gậy tầm vông, giáo mác chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của quân thù đã để lại cho các thế hệ mai sau niềm tự hào giữ gìn và phát huy khí phách anh hùng.
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú, huyện Đức Hòa - Nguyễn Văn Gối kể lại: “Lúc bấy giờ, giữa 2 vùng tạm chiếm và độc lập còn có vùng bản lề, còn gọi là vùng “xôi đậu” - nơi ta và địch giằng co, tranh chấp. Thực hiện chủ trương của cấp trên, Chi bộ, chính quyền Tân Phú Thượng (ngày nay là xã Tân Phú) phát động nhân dân thực hiện “bất hợp tác với địch”: Không đi lính cho Pháp để làm bia đỡ đạn; thực hiện vườn không, nhà trống; ai có nhà lớn, kiên cố hãy dỡ bỏ, đem cất nơi kín đáo, không để giặc lợi dụng để đóng đồn bót. Mọi người còn thực hiện chủ trương “tam không” (không nghe, không thấy, không biết) nhằm bảo vệ bí mật, tuyệt đối không để cho gián điệp của địch tìm hiểu lực lượng ta”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tân Phú bị chiến tranh tàn phá nặng nề, 3 ấp vùng sông bị xóa trắng, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Từ trong gian khó, chính quyền, nhân dân Tân Phú đã tự lực, tự cường, kiên trì, bền bỉ phấn đấu để có được thành quả như ngày hôm nay. Đến nay, địa phương đã hoàn thành điện khí hóa nông thôn, cơ khí hóa các khâu cơ bản trong sản xuất nông nghiệp như làm đất, tưới tiêu, thu hoạch,... Các công trình hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới như hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống cấp nước, trường học, trạm y tế, thư viện, trung tâm giáo dục cộng đồng,... đều được quan tâm, đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh.
Theo Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa - Nguyễn Thị Tú Trinh, phát huy khí phách Nam bộ kháng chiến, thế hệ trẻ Đức Hòa hôm nay mãi khắc sâu trong lòng, tri ân sâu sắc, tự hào và mong muốn được tiếp nối truyền thống cha ông, xung kích vì Tổ quốc. Đặc biệt, đoàn viên, thanh niên xung phong trong mọi công việc, nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn; chung sức, đồng lòng, tình nguyện đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng văn minh, hiện đại.
Thời gian trôi qua, ý chí quật khởi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm không ngừng được bồi đắp; những bài học lịch sử của Nam bộ kháng chiến vẫn luôn còn nguyên giá trị, góp phần soi sáng cho sự nghiệp cách mạng hôm nay và mai sau./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/sang-ngoi-moc-son-nam-bo-khang-chien-a102932.html