Sáng ngời phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Anh dũng, kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hòa bình lập lại, dẫu mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh nhưng những chiến sĩ quả cảm năm xưa lại tiếp tục xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế, với mong muốn góp sức xây dựng và phát triển quê hương.

Tiếp tục cống hiến

Với suy nghĩ còn sức khỏe là còn lao động và cống hiến, sau khi rời quân ngũ, năm 2001, bệnh binh 2/3 Nguyễn Văn Trung đưa gia đình từ huyện Quốc Oai, Hà Nội vào lập nghiệp ở xã Tân Lợi (nay là thị trấn Tân Phú), huyện Đồng Phú. Sau khi vào lập nghiệp trên quê hương mới, nhận thấy tuyến ĐT741 rất phù hợp nên ông Trung quyết định kinh doanh xăng dầu. Thời gian đầu, việc kinh doanh gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều khách hàng và chưa quen công việc. Nhưng với bản lĩnh của một người lính được tôi luyện trong quân ngũ đã giúp ông vượt qua giai đoạn khó khăn, kinh doanh thành đạt, trở thành cựu chiến binh (CCB) sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện, tỉnh.

Nhạy bén trong kinh doanh đã giúp CCB Nguyễn Văn Trung, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú vượt qua khó khăn ban đầu để vươn lên làm giàu cho gia đình và có nhiều đóng góp cho xã hội

Nhạy bén trong kinh doanh đã giúp CCB Nguyễn Văn Trung, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú vượt qua khó khăn ban đầu để vươn lên làm giàu cho gia đình và có nhiều đóng góp cho xã hội

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Phú Đào Văn Lai cho biết: CCB Nguyễn Văn Trung không chỉ giỏi kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình mà còn tích cực đóng góp cho các phong trào tại địa phương như: Hiến hơn 4.000m2 đất làm đường giao thông; đóng góp hàng chục triệu đồng xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhiều năm nay, các thế hệ CCB luôn nhắc đến ông như tấm gương sáng về tinh thần tương thân, tương ái. Hộ ông cũng là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương.

Thương binh 2/4 Đoàn Công Dựng, 84 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, hiện sinh sống ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú. Mặc dù tuổi cao, không còn tham gia công tác, nhưng ông luôn giữ lối sống giản dị, chuẩn mực để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Thương binh 2/4 Đoàn Công Dựng, 84 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông luôn giữ lối sống, giản dị, chuẩn mực để thế hệ trẻ học tập, noi theo

Thương binh 2/4 Đoàn Công Dựng, 84 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông luôn giữ lối sống, giản dị, chuẩn mực để thế hệ trẻ học tập, noi theo

Sau khi trở về cuộc sống đời thường, mặc dù mang trong mình nhiều thương tích chiến tranh, nhưng CCB Đoàn Công Dựng vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội đến nay đã 20 năm và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị như: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Lợi và nhiều vị trí quan trọng khác. Ở cương vị nào CCB Đoàn Công Dựng cũng luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ở tuổi 84, theo quy định được miễn sinh hoạt đảng nhưng ông vẫn theo dõi sát sao các hoạt động của cấp ủy chi bộ, tích cực tham gia góp ý bằng văn bản để chi bộ nghiên cứu, áp dụng. Ông cho rằng, là đảng viên dù ở thời khắc nào cũng phải toàn tâm, toàn ý với Đảng, với nhân dân như lời tuyên thệ trước khi vào Đảng.

“Những ngày qua, đất nước ta vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người cán bộ lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân. Chúng ta phải biến đau thương thành hành động cách mạng, tiếp tục phát huy trí tuệ và sức lực để xây dựng quê hương” - ông Dựng chia sẻ.

Nỗ lực lao động, sản xuất

Bệnh binh 2/3 Lê Sỹ Yêm ở thôn 4, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập năm nay ngoài 70 tuổi nhưng vẫn hăng say lao động, sản xuất. Theo ông Yêm, lao động sản xuất chính là liều thuốc mang lại sức khỏe cho bản thân, cũng là thực hiện lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”.

Với tinh thần ham học hỏi, say mê lao động, sau khi trở về cuộc sống đời thường, CCB Lê Sỹ Yêm đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Hiện mô hình nuôi thỏ sinh sản và chim bồ câu của ông đã được nhiều hội viên CCB, hội viên nông dân xã, huyện đến tham quan, học tập nhân rộng, bởi chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp với người lớn tuổi.

Mô hình nuôi thỏ sinh sản của CCB Lê Sỹ Yêm, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập được nhiều người đến tham quan, học tập và nhân rộng

Mô hình nuôi thỏ sinh sản của CCB Lê Sỹ Yêm, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập được nhiều người đến tham quan, học tập và nhân rộng

Ông Hồ Tấn Thành Đồng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Thắng cho biết: CCB Lê Sỹ Yêm không chỉ hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia nhiều hoạt động tại địa phương. Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ làm Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 4, ông đã xây dựng chi hội trở thành mạnh nhất, nhì xã. Hiện sức khỏe có phần giảm sút nhưng cấp ủy, chính quyền và người dân tín nhiệm giao ông phụ trách y tế thôn. “Với kinh nghiệm 17 năm làm y tế trong quân đội và nông trường, chúng tôi tin rằng CCB Lê Sỹ Yêm sẽ làm tốt vai trò nhân viên y tế thôn, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của người dân” - ông Đồng nhận định.

Chiến đấu anh dũng trên chiến trường, mang trong mình nhiều vết thương do chiến tranh nhưng khi về với cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa như ông Trung, ông Dựng và ông Yêm không chỉ tích cực chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp đỡ, động viên nhau cố gắng vươn lên, chung sức xây dựng quê hương, tô đẹp thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ.

Ðức Hiến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/160681/sang-ngoi-pham-chat-bo-doi-cu-ho