Sáng ngời ý chí cách mạng từ chốn lao tù

Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả (thành phố Sơn La) uy nghiêm, trầm mặc. Nơi đây, từng là 'trường học cách mạng' của các chiến sỹ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước, gắn liền với hình ảnh cây đào Tô Hiệu, biểu tượng về sức sống mãnh liệt, trường tồn của tinh thần cách mạng anh hùng, bất khuất.

Một góc Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. (Ảnh chụp trước ngày 27/4)

Một góc Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. (Ảnh chụp trước ngày 27/4)

Ảnh: Việt Anh

Năm 1908, thực dân Pháp đã xây dựng Nhà tù Sơn La chủ yếu để giam cầm tù thường phạm, ban đầu nhà tù có diện tích 1.217 m². Đến năm 1930, hòng dập tắt phong trào cách mạng đang dâng cao, thực dân Pháp mở rộng thêm diện tích, qua 2 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích là hơn 2.184 m². Từ đây, Nhà tù Sơn La thay đổi hẳn về tính chất, trở thành Nhà ngục Sơn La để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người chiến sỹ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước. Từ 1930 đến 1945, thực dân Pháp đã đầy lên Nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với hơn 1.000 chiến sĩ yêu nước Việt Nam đã bị giam cầm, đày ải tại đây.

Nhà tù Sơn La ví như “địa ngục trần gian” bởi chế độ cai quản cực kỳ hà khắc, lao động khổ sai nặng nhọc và ăn uống kham khổ, cộng với khí hậu khắc nghiệt “rừng thiêng, nước độc”. Kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng, nhưng chính tại nơi đây, những người cộng sản đã biến nhà tù thực dân thành “trường học cách mạng”. Cuối tháng 12/1939, các đảng viên trong tù đã bí mật triệu tập hội nghị, thảo luận việc thành lập tổ chức Ðảng. Ban Chi ủy bộ lâm thời được thành lập gồm 10 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư chi bộ. Ðến tháng 2/1940, Chi bộ chuyển thành chính thức do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư, đồng chí Tô Hiệu làm Chi ủy viên. Tháng 5/1940, tại Đại hội Chi bộ nhà tù, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư.

Sự ra đời của Chi bộ Nhà tù không những đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh của tù chính trị ở Nhà tù Sơn La mà còn đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng tại Sơn La. Từ đây, khơi dậy các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở các châu Mường La, Mai Sơn, Mương Muổi (Thuận Châu) và đỉnh cao là ngày 26/8/1945 - Ngày khởi nghĩa thành công, lập chính quyền dân chủ nhân dân tại Sơn La. Đây là Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Sơn La vì thời kỳ này toàn tỉnh chưa có đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Chi bộ Nhà tù Sơn La đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức và xây dựng cơ sở, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tạo tiền đề quan trọng cho sự ra đời và phát triển của Đảng bộ tỉnh Sơn La sau này. Trên cơ sở các tư liệu lịch sử và kiến nghị của các nhà khoa học, ngày 16/8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU chọn sự kiện thành lập Chi bộ Nhà tù Sơn La (12/1939) là dấu mốc xác định và quyết nghị lấy ngày 26/12/1939 là Ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Sơn La.

Các chiến sỹ LLVT tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Các chiến sỹ LLVT tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Ảnh chụp trước ngày 27/4

Với giá trị lịch sử quan trọng, năm 1962, Di tích nhà tù Sơn La được xếp hạng Quốc gia và năm 2014 được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Những năm qua, Di tích tiếp tục được tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm trùng tu, tôn tạo, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân và phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Ngày 5/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Năm 2017, Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Nhà tù Sơn La nằm trong Khu di tích được khánh thành đã trở thành nơi tri ân các anh hùng liệt sĩ, tổ chức các hoạt động hướng về nguồn cội, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hàng năm, Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La đã đón hằng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Bảo tàng tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Đồng thời, tham mưu thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các hạng mục công trình di tích, gìn giữ tối đa các yếu tố di tích gốc; tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức trưng bày chuyên đề nhằm phát huy những giá trị của di tích gắn với bảo tàng, góp phần để Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân.

Thời gian trôi qua, Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La đã, đang và mãi mãi là một địa chỉ đỏ, là khúc ca bi tráng về tinh thần đấu tranh bất khuất, về ý chí kiên trung của những chiến sỹ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước; là “kim chỉ nam” dẫn đường, soi lối cho lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Sơn La luôn tiến bước dưới cờ Đảng vinh quang, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/sang-ngoi-y-chi-cach-mang-tu-chon-lao-tu-42857