Sáng rõ bức tranh ngân hàng từ lợi nhuận đến tín dụng
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, chất lượng tín dụng cải thiện và quy mô tài sản không ngừng mở rộng đang tạo nên bức tranh sáng rõ cho các ngân hàng nửa đầu năm 2025.
Sắc xanh lan rộng trên bảng kết quả kinh doanh
Nửa chặng đường của năm 2025 vừa khép lại với những tín hiệu tích cực lan tỏa mạnh mẽ trên bản đồ tài chính ngân hàng Việt Nam. Dưới sự vận hành linh hoạt của chính sách tiền tệ, cùng nỗ lực tái cấu trúc và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng thương mại không chỉ sáng dần lên mà còn tạo ra những điểm nhấn mang tính đột phá. Trong một bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, sự bứt tốc của các nhà băng càng cho thấy vai trò trụ cột của hệ thống ngân hàng đối với tăng trưởng và ổn định vĩ mô.
LPBank vừa nối dài danh sách lợi nhuận các ngân hàng được công bố với con số đầy ấn tượng. Theo đó, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 của nhà băng này đã đạt lợi nhuận trước thuế 6.164 tỷ đồng, hoàn thành 41,5% kế hoạch năm. Tổng thu nhập hoạt động đạt 9.601 tỷ đồng, trong đó thu ngoài lãi chiếm 27%, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng của LPBank đạt 368.727 tỷ đồng, tăng 11,2% so với đầu năm. Tổng tài sản cũng tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 513.613 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được duy trì ở mức 28,92%, thấp hơn mặt bằng chung thị trường còn chỉ số suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 23,67% và tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt 1,95%, cao hơn mức trung bình toàn ngành; tỷ lệ nợ xấu cũng được được kiểm soát ở mức 1,74%.

Tính đến ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống tăng gần 10%. Ảnh: Tuấn Minh
Trước đó, một loạt các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, bức tranh lợi nhuận ngân hàng đã được “trám” nhiều gam màu sáng. Đơn cử, TPBank báo lợi nhuận trước thuế ước tính trên 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ; tín dụng tăng gần 11,7%.
Tại Kienlongbank, Báo cáo tài chính quý II/2025 cho thấy, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 565 tỷ đồng, tăng vọt 67,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ quý I/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã đạt 921 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 67% kế hoạch cả năm.
Với Nam A Bank, con số lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm được ghi nhận ở mức 2.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ 2024; ROE của ngân hàng được duy trì ở mức gần 20%, còn ROA đạt 1,5%.
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước cũng có một mùa kinh doanh đầu năm đầy thuận lợi. Theo đó, VietinBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng ước đạt 10%, huy động vốn tăng hơn 9% và lợi nhuận trước trích lập dự phòng tăng so với cùng kỳ. Trong bối cảnh môi trường lãi suất không còn nhiều dư địa nới lỏng, kết quả này cho thấy sức bền tài chính cũng như khả năng điều phối nguồn vốn hiệu quả của ngân hàng.
Còn tại Agribank, đến hết nửa đầu năm 2025, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 1,85 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 1,13 triệu tỷ đồng dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm trên 61% tổng dư nợ.
Vietcombank tiếp tục giữ vững phong độ “ngân hàng dẫn đầu” với hàng loạt chỉ tiêu tài chính tăng trưởng tích cực. Tổng tài sản ước đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng cho nền kinh tế tăng hơn 5% so với cuối năm 2024. Ngân hàng này cũng đang từng bước dịch chuyển cơ cấu tín dụng theo hướng chất lượng, bền vững và hiệu quả.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kết quả kinh doanh nói chung và lợi nhuận nói riêng của hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng đã thể hiện được hướng đi đúng của hệ thống. Đó là việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó tập trung vào mảng bán lẻ và hiện đại hóa các dịch vụ.
“Mặc dù hạ lãi suất cho vay để đảm bảo việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhưng các ngân hàng vẫn không bị giảm chỉ tiêu tăng trưởng và lợi nhuận, điều này có được do tối ưu hóa hoạt động và chi phí”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận xét.
Khẳng định chiến lược tái cơ cấu đang đi đúng hướng
Dưới góc nhìn tổng thể, những con số trên phản ánh phần nào bức tranh tươi sáng của ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2025. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống tăng gần 10%, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả cho thấy các tổ chức tín dụng đã có bước chuyển mình rõ rệt trong khả năng đưa vốn vào nền kinh tế thực. Trong đó, sự cải thiện mạnh mẽ về sức khỏe tài chính của các ngân hàng, đi cùng tốc độ gia tăng lợi nhuận bền vững, là dấu hiệu đáng mừng, góp phần củng cố niềm tin cho thị trường và nhà đầu tư.
Không thể phủ nhận, môi trường kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn không ít thách thức, từ xu hướng tăng của lạm phát toàn cầu, chi phí vốn leo thang, đến những rủi ro về địa chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và dòng vốn. Tuy nhiên, khả năng thích ứng và điều chỉnh linh hoạt của các ngân hàng Việt Nam, từ việc tái cơ cấu hoạt động, chuyển đổi số, đẩy mạnh tín dụng có kiểm soát, đến việc gia tăng hiệu quả quản trị, tập trung đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế đang từng bước tạo ra lớp nền tài chính vững chắc hơn.
Từ một góc nhìn khác, những thành tựu đạt được trong 6 tháng đầu năm không chỉ là con số đơn thuần, mà còn là thông điệp rõ ràng về niềm tin sự phục hồi của nền kinh tế, niềm tin vào chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Dẫu còn nhiều việc phải làm trong nửa cuối năm để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%, cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhưng nhìn vào những “mảng màu” đang lan rộng trên bức tranh lợi nhuận ngân hàng hiện nay, có thể nói: một chu kỳ khởi sắc đang đến gần và các nhà băng đang từng bước khẳng định vai trò không chỉ là “người giữ tiền” mà là “người dẫn dòng chảy” cho nền kinh tế quốc dân.
Tại cuộc họp báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền cho biết, năm 2025, tăng trưởng tín dụng dự báo nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn mục tiêu đề ra là 16%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt để cân bằng giữa mục tiêu lạm phát và việc đẩy vốn ra nền kinh tế, đồng thời sẽ cân nhắc trong việc nới room tín dụng cho các ngân hàng để có thêm dư địa cho vay.