Sáng rõ hơn vai trò động lực kinh tế trọng điểm
Năm mới cận kề, ai cũng có mơ ước, hoài bão của riêng mình. Các tổ chức, tập thể cũng đặt ra mục tiêu năm mới của đơn vị mình. Ước mơ, hoài bão, mục tiêu chỉ trở thành hiện thực khi dám ước mơ, dám đặt ra mục tiêu, sẵn sàng đối diện với khó khăn, thử thách và nỗ lực hết mình với ước mơ, mục tiêu đó.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2023, kinh tế nước ta tăng trưởng khoảng 5-5,2%, không đạt mục tiêu đề ra 6,5%. Đó là kết quả trong bối cảnh nhiều thách thức, khó khăn chung, tiềm ẩn nhiều rủi ro và tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 3,1%.
Với Bình Phước, theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, trong 22 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, chỉ có 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 12 chỉ tiêu đạt, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 6 chỉ tiêu không đạt theo kế hoạch. Tin vui là một số chỉ tiêu quan trọng, như tăng trưởng kinh tế 7,25%, dù không đạt mục tiêu 8%, song cũng gấp gần 1,5 lần so với mức trung bình chung cả nước. Trong đó, sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ tăng mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 270% kế hoạch năm…
Các số liệu thống kê cho thấy bức tranh chung phát triển kinh tế của Bình Phước khá tươi sáng. Song với những lát cắt nhất định, mỗi gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, không chỉ ở Bình Phước, mà trên phạm vi cả nước đã trải qua một năm khá nhiều khó khăn. Sự sôi động trên các tuyến phố, sự tấp nập trên những con đường, sự đông đúc trong hàng quán, cửa tiệm… chưa phục hồi được như trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19. Nhiều khu vực, con đường ẩm thực vắng hoe, lưa thưa, hoạt động cầm chừng, đóng cửa. Thay vào đó là những tiếng than thu nhập giảm, việc làm giảm, lương giảm, không có tiền tiêu xài…
Không ít doanh nghiệp đã phải "gồng mình" trong bối cảnh chồng chất khó khăn, khắc nghiệt, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đình trệ, xuất khẩu gặp nhiều bất lợi. Nhiều doanh nghiệp khốn đốn khi đến kỳ đáo hạn ngân hàng không xoay được tiền… Nhiều doanh nghiệp bất động sản, thị trường bất động sản đóng băng gây hệ lụy dây chuyền từ doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu mối đến nhà đầu tư nhỏ lẻ trên phạm vi rộng trong cộng đồng. Việc triển khai, thực thi các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ở một số khâu, một số bộ phận còn né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm khiến doanh nghiệp không được hỗ trợ kịp thời, càng khó khăn hơn. Không ít doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường…
Năm 2024, Bình Phước tiếp tục đặt ra 22 chỉ tiêu phát triển, trong đó đáng chú ý như tốc độ tăng trưởng kinh tế 8-8,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 9%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%, thu ngân sách 12.739 tỷ 600 triệu đồng, thành lập mới 1.100 doanh nghiệp… Để giữ vững mạch phát triển cao hơn mặt bằng chung của cả nước và khu vực Đông Nam Bộ như thời gian qua, năm 2024 Bình Phước phải thực hiện được các chỉ tiêu đó, góp phần hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025.
Có rất nhiều việc phải làm mới hoàn thành được những mục tiêu đặt ra, trong đó không thể thiếu là Bình Phước cần tiếp tục có những đột phá. Đó còn là các chính sách phát huy được lợi thế, khắc phục bất lợi của tỉnh. Đó còn là tư duy nhạy bén, hành động linh hoạt, giải pháp hiệu quả, kịp thời…
27 năm trước, các cấp lãnh đạo và mỗi người dân sau ngày tái lập tỉnh, đã đặt ra những mục tiêu to lớn cho Bình Phước. Với truyền thống giỏi vượt khó, từ người lãnh đạo cao nhất, cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và sự nỗ lực chung của toàn tỉnh, những khó khăn của năm 2023 và cả giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 sẽ dần được đẩy lùi. Và năm 2024, một Bình Phước phát triển, là động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế phát triển bậc nhất cả nước sẽ được thể hiện rõ ràng hơn.