Sáng sủa 'bức tranh' cổ tức
Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay có không ít doanh nghiệp quyết định chia cổ tức sau nhiều lần lỡ hẹn hoặc tăng tỷ lệ cổ tức so với năm ngoái.

Đầu tư cổ phiếu để hưởng cổ tức thường được các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp lựa chọn
“Mưa cổ tức” sắp về tài khoản
Ngày 11/4/2025, CTCP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad (mã VNX) đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt, tỷ lệ 120%. Dự kiến, ngày 9/5 tới, toàn bộ cổ đông sở hữu hơn 1,8 triệu cổ phiếu VNX sẽ nhận về tài khoản khoảng 22 tỷ đồng.
VNX có truyền thống trả cổ tức tiền mặt cao, với tỷ lệ hàng chục phần trăm từ năm 2010 đến nay, cao nhất là 150% vào năm 2023. Năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu 267 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 42 tỷ đồng, lần lượt vượt 11% và 34% so với kế hoạch.
Cùng ngày 11/4, CTCP Vận tải biển Hải Âu (mã SSG) chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 120%, dự kiến thanh toán ngày 18/4/2025. Với gần 5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp vận tải biển này sẽ chi khoảng 60 tỷ đồng để chia cổ tức. Đáng lưu ý, mức cổ tức nói trên cao gấp 10 lần kế hoạch đề ra trước đó, nhờ kết quả kinh doanh năm 2024 đạt mức cao nhất trong 15 năm qua, với tổng doanh thu 108 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 61 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và gần 13 lần so với năm 2023.
Theo tài liệu họp ĐHCĐ 2025 dự kiến diễn ra ngày 24/4 tới, Sabeco (mã SAB) sẽ trình cổ đông về việc tăng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2024 từ 35% lên 50%. Với gần 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp sẽ chi hơn 6.400 tỷ đồng để thanh toán cổ tức, tăng hơn 1.900 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. Cuối năm ngoái, Sabeco đã tạm ứng cổ tức 20%, nếu phương án trên được thông qua, 30% cổ tức còn lại sẽ được chi trả trong tháng 7/2025.
Năm 2024, “ông lớn” ngành bia - rượu - nước giải khát phía Nam đạt doanh thu hơn 31.872 tỷ đồng, tăng 4,6% và lãi ròng gần 4.495 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2023. Năm 2025, doanh nghiệp dự kiến doanh thu giảm 1%, nhưng lợi nhuận tăng 8% và giữ nguyên mức cổ tức tiền mặt 50%.
Trong ngành dệt may, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) dự kiến sẽ trình ĐHCĐ 2025 vào ngày 20/4 tới phương án chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 20%. Đây là lần đầu tiên, TNG chia cổ tức hoàn toàn bằng tiền mặt, tương ứng số tiền hơn 245 tỷ đồng, chiếm gần 78% lãi sau thuế năm 2024. Nhiều năm trước đó, doanh nghiệp chia cổ tức từ 8 - 10%, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu. Năm ngoái, TNG đạt doanh thu 7.656 tỷ đồng, lãi ròng 315 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 8% và 42%. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu và lãi ròng tăng trưởng lần lượt 6% và 8%.
Ở ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) sẽ trình ĐHCĐ 2025 ngày 17/4 tới phương án chia cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20%, thay cho phương án cũ là 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Sau 2 năm không chia cổ tức để dồn tiền tái đầu tư, việc được gia tăng 20% lượng cổ phiếu trong bối cảnh ngành thép đang hưởng lợi từ chủ trương tăng tốc đầu tư công vẫn là tin vui đối với cổ đông của Hòa Phát.
Nhắc đến cổ tức năm 2024 không thể không nói đến nhóm ngân hàng khi các kế hoạch chi trả nhìn chung cao hơn các năm trước, bởi kết quả kinh doanh khả quan nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh. Cụ thể, ACB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 25%, gồm 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt. Tỷ lệ cổ tức tại LPBank (mã LPB) là 25% bằng tiền mặt; tại VIB là 7% bằng tiền mặt và 14% bằng cổ phiếu; tại VietinBank (mã CTG) là 44,64% bằng cổ phiếu; tại Vietcombank (mã VCB) là 49,5% bằng cổ phiếu; tại HDBank (mã HDB), tỷ lệ cổ tức có thể là 28%...
Với nhóm xây vật liệu xây dựng, Viglacera (mã VGC) dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 22% bằng tiền mặt, tương ứng hơn 1.700 tỷ đồng. Năm 2024, Viglacera ghi nhận doanh thu hơn 12.051 tỷ đồng, giảm gần 9,7% và lãi sau thuế 1.187 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm 2023. Năm 2025, doanh nghiệp kỳ vọng, doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng lần lượt là 21% và 7%.
Tin vào triển vọng phát triển của doanh nghiệp
Nhà đầu tư dài hạn thường chọn mua cổ phiếu của doanh nghiệp cơ bản, tài chính tốt, lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn…
Theo ông Quang Hưng, một nhà đầu tư lâu năm, dựa vào thông tin cổ tức để mua cổ phiếu có hai nhóm. Nhóm thứ nhất là nhà đầu tư dài hạn, thường chọn mua cổ phiếu của doanh nghiệp cơ bản, tài chính tốt, lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn…, rồi nắm giữ lâu dài để hưởng cổ tức nên không quan tâm nhiều đến biến động giá. Nhóm thứ hai chủ yếu là nhà đầu cơ, thường “hóng” tin cổ tức để mua cổ phiếu ở vùng giá thấp, chờ “đội lái” kéo giá lên rồi bán ra trước ngày giao dịch không hưởng quyền và hưởng chênh lệch giá ngắn hạn.
Xác định đầu tư dài hạn nên ông Hưng không bị chi phối bởi những biến động mạnh của thị trường chứng khoán và ít quan tâm đến việc giá tham chiếu của cổ phiếu bị điều chỉnh sau ngày chốt quyền hưởng cổ tức, vì nếu nắm giữ cổ phiếu tốt thì không lâu sau, giá sẽ tăng trở lại.
“Năm ngoái, tôi nắm giữ các mã PVI, TNG, HPG, trong đó hưởng lợi nhuận kép (cổ tức tiền mặt và chênh lệch giá cổ phiếu) từ PVI và TNG ngay trong năm, còn mã HPG thì sau hai năm không có cổ tức, sắp tới có thể nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%”, ông Hưng chia sẻ.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Nghiên cứu đầu tư, Công ty cổ phần FIDT cho biết, đầu tư cổ phiếu để hưởng cổ tức thường được các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp lựa chọn do an toàn, tỷ suất sinh lời tương đối bền vững. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên chỉ chọn cổ phiếu có cổ tức cao, mà cần xem xét năng lực, uy tín của doanh nghiệp cũng như lịch sử trả cổ tức và thanh khoản của cổ phiếu.
Đây cũng là quan điểm của ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS. Ông Khánh cho rằng, không dễ mua được cổ phiếu của những doanh nghiệp chi trả cổ tức cao vì thanh khoản thấp do cơ cấu cổ đông cô đặc, người sở hữu thường nắm giữ dài hạn để hưởng cổ tức nên ít bán ra, nhất là khi giá tham chiếu cổ phiếu ở mức thấp do bị điều chỉnh theo tỷ lệ cổ tức như mã PTG hay CPH.
Mã PTG hiện có giá tham chiếu 700 đồng/cổ phiếu, song doanh nghiệp này dự kiến chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt ở mức 100%, còn mã CPH có giá tham chiếu 300 đồng/cổ phiếu và cổ đông sắp nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 50%. Hai mã này gần như không có thanh khoản do 64,5% vốn điều lệ của CPH thuộc sở hữu của UBND TP Hải Phòng, còn tại PTG có 13/15 cổ đông lớn là thành viên hội đồng quản trị, thân nhân của ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Lưu ý, có doanh nghiệp trả cổ tức cao nhưng chỉ là đột biến, ví dụ mức cổ tức 120% bằng tiền mặt của SSG do lợi nhuận năm 2024 đến từ lãi thanh lý, nhượng bán tài sản cố định hơn 79 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của doanh nghiệp này là đạt doanh thu 101,5 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 4 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 93% so với mức thực hiện năm ngoái.
Ở một góc tiếp cận khác, bà Lê Thị Yến, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS lưu ý, việc doanh nghiệp không chia cổ tức cũng chưa hẳn phản ánh tình trạng hoạt động kém hiệu quả, mà có thể là doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư nên giữ lại dòng tiền để củng cố tiềm lực tài chính, với kỳ vọng đem lại lợi nhuận cao hơn cho cổ đông trong tương lai.
Chẳng hạn, Hòa Phát không chia cổ tức năm 2022 - 2023 để dồn lực cho dự án Dung Quất 2 và năm nay, một số ngân hàng như SeABank, ABBank đề xuất để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/sang-sua-buc-tranh-co-tuc-post367368.html