Sáng tạo của binh nhất người Khơ-me mang lại hiệu quả

Trong cuộc vận động 'Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo' ở Sư đoàn bộ binh 330 (Quân khu 9), sáng kiến của binh nhất người dân tộc Khơ-me Thạch Mích được đánh giá cao. Mô hình hiệu quả mà Mích tạo ra đến từ nhiệt huyết và sức trẻ.

Binh nhất Thạch Mích và mô hình “Tưới nhỏ giọt bằng chai nhựa” chăm sóc các bồn hoa, cây cảnhẢnh: PV

Binh nhất Thạch Mích và mô hình “Tưới nhỏ giọt bằng chai nhựa” chăm sóc các bồn hoa, cây cảnhẢnh: PV

Ðơn giản, hiệu quả

Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng), từ nhỏ Thạch Mích đã bộc lộ niềm đam mê yêu thích cây cảnh. Những năm học cấp 2, Thạch Mích là học sinh tiêu biểu của lớp tham gia các hoạt động phong trào như thi làm tác phẩm thủ công tái chế từ rác thải, tận dụng rác thải nhựa sử dụng một lần... Mích còn tự học cách cắt tỉa, uốn cây từ những cô chú hàng xóm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lên lớp 9, Thạch Mích bỏ dở việc học hành đi làm phụ giúp gia đình.

Đầu năm 2019, trong đội hình tân binh trẻ nhập ngũ về Đại đội 3, Tiểu đoàn 15 của Sư đoàn 330, với hoa tay và đam mê sáng tạo, Thạch Mích đã chủ động xung phong tham gia vào đội chăm sóc cây cảnh, bồn hoa của đơn vị. Sự khéo tay và tính tỉ mỉ của Mích đã khiến ban chỉ huy và cả đại đội nhiều lần trầm trồ thán phục. Từ đó, hệ thống cây cảnh, bồn hoa của đại đội và tiểu đoàn đều được Thạch Mích cùng tổ chăm sóc cây cảnh cắt tỉa, tạo dáng mang tính thẩm mỹ cao, cây phát triển xanh tốt, ra hoa đều đặn. Một trong những bí quyết để chăm sóc tốt cho cây cảnh, bồn hoa của Thạch Mích là "Tưới nhỏ giọt bằng chai nhựa". Cách làm này giải quyết được tình trạng thiếu nước trong chăm sóc cây tại đơn vị.

Chia sẻ về sáng kiến tưới cây nhỏ giọt, Thạch Mích cho biết, sau một thời gian tìm hiểu anh nhận thấy theo cách tưới bằng xô, thùng thì chỉ có 30 đến 40% lượng nước được cây hấp thụ, phần còn lại bị bốc hơi vì đất nơi đơn vị anh đóng quân pha cát loại đất này thấm nước nhanh nhưng lại giữ nước kém, dễ bị khô hạn, nhất là trong mùa khô. Từ đó, Mích cùng tổ chăm sóc cây cảnh nhặt các chai nhựa bỏ đi rồi dùng đinh nhọn đục lỗ nhỏ ở nắp chai, dùng dao nhọn cắt bỏ đi phần đáy chai để đổ nước vào. Những bình tưới này sau đó đem chôn xuống đất xung quanh cây cảnh với độ sâu khoảng 1/3 thân chai và đổ nước đầy chai để nước ngấm từ từ xuống rễ cây.

Cứ khoảng một đến hai tuần thì mình cùng đội chăm sóc cây pha phân bón vào để cây hấp thụ dinh dưỡng. Dựa vào mật độ, tính chất của cây cần tưới mà bố trí khoảng cách giữa các chai nhựa phù hợp để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cho cây.

Xem đơn vị là ngôi nhà thứ hai

Thiếu tá Ngô Phú Giang, Chính trị viên phó, Bí thư Đoàn cơ sở Tiểu đoàn 15 cho biết, qua thời gian thử nghiệm hiệu quả tại chi đoàn, Thạch Mích đã thuyết phục toàn Đoàn cơ sở nhân rộng mô hình. Với mô hình này, nước và các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cây mặc dù được thấm chậm nhưng độ thấm vào đất sâu hơn, làm cho đất giữ được độ ẩm cao mà tiết kiệm nước hơn so với phương pháp tưới bằng xô, thùng. Ngoài ra, mô hình còn giúp tiết kiệm thời gian (khoảng 80% thời gian tưới cây mỗi ngày) và công sức của bộ đội vì chỉ cần đổ nước đầy chai thì trong gần hai ngày nước mới nhỏ giọt hết nhưng cây vẫn được cung cấp nước đều đặn và đủ để phát triển nhanh hơn.

Không chỉ sáng tạo với mô hình "Tưới nhỏ giọt bằng chai nhựa", trước đó, Thạch Mích còn được đồng đội biết đến với việc cụ thể hóa những ý tưởng đơn giản mang lại hiệu quả rất thiết thực như: Tạo ra thuốc trừ sâu sinh học bằng gừng, ớt và tỏi; Tái chế chai nhựa, thùng nhựa đã qua sử dụng thành chậu hoa để trang trí; Chiết, ghép các loại cây cảnh...

"Binh nhất Thạch Mích là tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ đơn vị. Khắc phục khó khăn từ hoàn cảnh gia đình và bản thân, Mích luôn hăng hái, xung phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ, mà nhất là tham gia các hoạt động phong trào Đoàn cơ sở. Tư duy sáng tạo, năng động của Thạch Mích không chỉ đơn thuần đến từ năng khiếu, đam mê sở trường cá nhân mà còn là minh chứng rõ ràng cho sự gắn bó, yêu thương đơn vị, xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình”, Thiếu tá Ngô Phú Giang nói.

"Nếu được đi học lại, em sẽ cố gắng để thi vào ngành công nghệ môi trường từ đó giúp bà con quê mình giải quyết vấn đề kinh tế đảm bảo thân thiện với môi trường sống".
Binh nhất THẠCH MÍCH

THÀNH NHÂN

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/sang-tao-cua-binh-nhat-nguoi-khome-mang-lai-hieu-qua-1758064.tpo