Sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Sau 20 năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành 'đặc sản' của những người làm công tác Mặt trận. Ngày hội là minh chứng cho việc đổi mới phương thức hoạt động, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực ở các khu dân cư.

Bà Giáp Thị Hải - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Nam trao chứng nhận và tiền thưởng cho cán bộ và nhân dân thôn Quỳnh Độ, xã Bắc Lũng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bà Giáp Thị Hải - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Nam trao chứng nhận và tiền thưởng cho cán bộ và nhân dân thôn Quỳnh Độ, xã Bắc Lũng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong thời gian qua, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã luôn sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức Ngày hội, bà Giáp Thị Hải - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Nam đã khẳng định như vậy với PV Báo Đại Đoàn Kết.

PV: Qua nhiều năm thực hiện, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng dân cư. Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật trong tổ chức Ngày hội trên địa bàn?

Bà Giáp Thị Hải: Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04 về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm là Ngày hội Đại đoàn kết ở các cộng đồng dân cư. Sau 20 năm thực hiện, từ thực tiễn cho thấy, Ngày hội trên địa bàn huyện Lục Nam đã trở thành diễn đàn trao đổi, đối thoại của nhân dân về việc xây dựng tình đoàn kết; hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, tăng hộ khá, giảm nghèo bền vững; chủ động tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng khu dân cư văn minh, sạch đẹp.

Trong Ngày hội, chúng tôi tổ chức ghi nhận, tôn vinh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp phát động. Tổ chức bình bầu, xét công nhận các danh hiệu “Thôn, xóm, khu phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”... Ngày hội càng trở nên ý nghĩa hơn khi các hoạt động thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng; trao nhà Đại đoàn kết động viên cho các hộ nghèo, hộ khó khăn được tổ chức sôi nổi ở nhiều địa phương.

Trong 20 năm qua, toàn huyện đã tổ chức được 3.640 Ngày hội với hơn 676.800 lượt người tham dự; tổ chức 5.080 bữa cơm Đại đoàn kết, trên 500 công trình được bàn giao, trao tặng; thăm và tặng hàng nghìn suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Vậy công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; phối hợp giữa chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc tổ chức Ngày hội được thực hiện thế nào, thưa bà?

- Hàng năm, ngay sau khi có hướng dẫn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của cấp trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã chủ động tham mưu cho Thường trực Huyện ủy có văn bản chỉ đạo, phối hợp tổ chức Ngày hội giữa chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên. Cùng với đó, MTTQ huyện còn sớm xây dựng kế hoạch, hướng dẫn Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn tổ chức Ngày hội; đồng thời lựa chọn một số khu dân cư trên địa bàn huyện để tổ chức điểm. Trong không khí ấm áp của Ngày hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện cũng tổ chức tặng quà từ 10 - 16 khu dân cư tiêu biểu của huyện; 25/25 xã, thị trấn cũng tổ chức tặng quà ở các khu dân cư thuộc địa phương mình.

Bên cạnh kinh phí tổ chức Ngày hội được cấp theo quy định, Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư cũng tích cực huy động nguồn xã hội hóa, vận động các doanh nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ kinh phí để địa phương tổ chức ngày hội và Bữa cơm Đại đoàn kết. Nhờ đó, bình quân mỗi khu dân cư huy động nguồn xã hội hóa được từ 3-5 triệu đồng; có khu phố huy động được hàng chục triệu đồng.

Nhìn lại 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết, theo bà cần rút ra những bài học kinh nghiệm gì để tổ chức thành công Ngày hội ở địa bàn dân cư?

- Qua 20 năm tổ chức Ngày hội, bài học kinh nghiệm được đúc kết minh chứng cho sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chủ động thường xuyên của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân là những nhân tố quan trọng đảm bảo cho việc triển khai, tổ chức Ngày hội đạt hiệu quả. Ngày hội đã khơi dậy và phát huy dân chủ cơ sở, tính tích cực, tự quản và sáng tạo của nhân dân trong việc triển khai các nhiệm vụ của địa phương.

Đặc biệt, để tổ chức thành công Ngày hội, cần phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban Công tác Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội sát với tình hình thực tế của khu dân cư, rút ngắn phần lễ, tăng phần hội bảo đảm tính trang trọng, không khí vui tươi, phấn khởi, gần gũi, gắn bó trong nhân dân. Sự sáng tạo, vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác tổ chức cần được đề cao. Tùy theo truyền thống văn hóa, điều kiện thực tế và sự sáng tạo của mỗi khu dân cư để tổ chức Ngày hội theo chủ đề, đồng thời lồng ghép các chương trình thi đấu, giao lưu văn hóa, văn nghệ và các trò chơi, phong tục truyền thống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Trân trọng cảm ơn bà!

Văn Chức - Tuệ Phương (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/sang-tao-linh-hoat-trong-to-chuc-ngay-hoi-dai-doan-ket-5715502.html