Sáng tạo phải hướng đến chân - thiện - mỹ

Bản chất của sự sáng tạo là mang lại những điều mới mẻ, tiện ích, giá trị cho cuộc sống con người và thúc đẩy xã hội phát triển văn minh. Bất cứ sự sáng tạo nào mà mang đến niềm vui, hạnh phúc đích thực cho con người thì sự sáng tạo ấy rất đáng khuyến khích, tôn vinh.

Một trong những nghề “hot” nhất hiện nay là gì? Đó chính là nghề sáng tạo nội dung trên các nền tảng công nghệ số. Những người làm sáng tạo nội dung youtube (được gọi là youtuber) ở nước ta đang nở rộ như nấm sau mưa. Trào lưu dấn thân làm youtuber trở thành một “trend” (xu hướng) rất cuốn hút giới trẻ. Trong khi một số ít youtuber thực sự tài năng, am hiểu về công nghệ, biết đón bắt sở thích, nhu cầu thị hiếu của công chúng nên tạo ra những sản phẩm giải trí tích cực, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa; thì phần lớn các youtuber nước ta đang biến tướng nội dung sáng tạo thành những trò nhảm nhí, dị hợm, lố bịch. Nhảm nhí ở nội dung, dị hợm ở hình thức thể hiện, lố bịch ở trò câu khách rẻ tiền.

Thời gian gần đây, nhiều người khi lên mạng xã hội không khỏi “rùng mình” bởi những “trò sáng tạo” kinh tởm. Nào là ăn mì ăn liền lấy từ trong bồn cầu; nào là thử thách 24 giờ làm chó ăn phân; nào là “troll” (chơi khăm) ăn động vật chết có mùi hôi thối; nào là thử tài “ăn tươi nuốt sống” những sinh vật kỳ dị... Nhìn những video xuất hiện các youtuber sẵn sàng làm tất cả mọi thứ khác người mà cảm thấy thương cho các “khổ chủ” tự dày vò bản thân, gây hại sức khỏe và hạ thấp danh dự, nhân phẩm của mình mà không hề hay biết.

Vậy đâu là động lực chính khiến không ít youtuber lao vào làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội như thiêu thân? Họ rất muốn nhanh chóng nổi tiếng theo kiểu “đốt đền” để được nhiều người biết đến? Họ muốn thu hút hàng triệu lượt view để các nhà quảng cáo lưu tâm? Họ muốn thể hiện “cái tôi” đặc biệt khác người của mình khiến thiên hạ phải thốt lên “ngạc nhiên chưa”? Đó chính là những lý do đẩy các youtuber “thừa nông nổi, thiếu văn hóa” đua nhau làm “trò hề” rẻ tiền trên mạng xã hội.

Rất đông người Việt có bản tính tò mò, thích “la cà” trên mạng, hay xem những thông tin, hình ảnh mới, lạ, độc, dị. Có lẽ “đánh trúng” tâm lý, thị hiếu này mà nhiều youtuber mới cố tình tạo ra những video dị hợm như vậy. Có người xem cho “vui mắt”, có người xem xong là nổi da gà, có người xem cũng thấy ghê rợn, nhưng khốn nỗi tâm lý “xem một lần cho biết” như một hiệu ứng domino kích hoạt hết người này đến người khác vào xem, khiến các “chiêu trò sáng tạo” thiếu văn hóa vẫn "hút” cả triệu lượt người like, share, comment. Điều nguy hại là các video “nhảm, dị, lố” thời gian gần đây không chỉ được nối dài bởi các nền tảng xuyên biên giới, như: Youtube, facebook mà còn có tốc độ lây lan cực nhanh trên nền tảng tiktok vì cách thức tiếp cận, sử dụng mạng này đơn giản, tiện lợi hơn đối với công chúng.

Theo quan điểm của mỹ học mác-xít, con người sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Nhưng thời nay, mặt trái của công nghệ “4.0” đã biến nhiều người không chỉ thành nô lệ của mạng xã hội, mà họ còn tự tha hóa chính mình từ những hoạt động sáng tạo thiếu văn hóa trên các nền tảng công nghệ số. Dẫu biết rằng, bản chất của văn hóa là những cái còn lại khi những cái khác mất đi, song chúng ta không thể thờ ơ, bàng quan với trào lưu nhiều youtuber trẻ hiện nay đã, đang lợi dụng mạng xã hội để làm méo mó những sản phẩm giải trí gây ô nhiễm cả môi trường internet và môi trường văn hóa xã hội.

Sáng tạo là một trong những quyền cơ bản của con người. Không ai có quyền ngăn cản, cấm đoán con người sáng tạo, nhưng mọi hoạt động sáng tạo, trong đó có hoạt động sáng tạo trên nền tảng công nghệ số của các youtuber phải hướng đến những giá trị chân-thiện-mỹ để góp phần nuôi dưỡng, làm giàu những giá trị tốt đẹp cho con người và xã hội. Trong khi lên án những chiêu trò sáng tạo “nhảm, dị, lố” trên mạng xã hội, chúng ta cần sớm có một giải pháp căn cơ, khả thi để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo lành mạnh, văn minh trên các nền tảng công nghệ số; đồng thời tạo ra “bức tường lửa” có thể ngăn chặn ngay từ đầu những video có nội dung xấu độc nhằm góp phần làm trong lành môi trường văn hóa mạng.

NGÔ DƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/sang-tao-phai-huong-den-chan-thien-my-647494