Sáng tạo, thực tế và hiệu quả
Đã gần 3 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính thức phát đi thông điệp rằng Đảng và Chính phủ muốn xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, đã có nhiều chính sách trợ lực cho khởi nghiệp được ban hành, từ Trung ương đến các địa phương. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp để tạo môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ. Bên cạnh đó, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước để khởi nghiệp tại Việt Nam bắt kịp xu hướng khởi nghiệp toàn cầu.
Chính phủ đã có Đề án 844/QĐ-TTg từ năm 2016 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 và Đề án 1665/QĐ-TTg năm 2017 về Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Sắp tới Chính phủ sẽ xây dựng một chương trình khung quốc gia về khởi nghiệp và sáng tạo - tầm nhìn 2045 với chính sách cụ thể hơn. Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ tối cao quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp của các start-up.
Từ phía các địa phương năng động như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Chính phủ cũng đã được hiện thực hóa bằng nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là những dự án có tính sáng tạo cao. Mặc dù vẫn còn những khoảng “vênh” nhất định từ chính sách đến thực tế, song điều quan trọng nhất là rõ ràng, Chính phủ đã và đang quyết liệt mở đường cho khởi nghiệp. Chính quyết tâm này sẽ tạo nền tảng cho những phong trào khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tư nhân tham gia vào việc kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một cách toàn diện nhất, gần gũi nhất với xu hướng toàn cầu.
Vấn đề còn lại là chính những người khởi nghiệp phải nhìn nhận được vị trí và tầm nhìn của mình trong dòng chảy khởi nghiệp đầy sáng tạo đó. Thực tế, hiệu quả của một dự án khởi nghiệp đến đâu mới là điều cốt lõi quan trọng nhất. Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis diễn ra mới đây tại tỉnh Bình Dương, GS.Freddy Boey, Phó hiệu trưởng Đại học quốc gia Singapore phân tích, đối với hoạt động start-up đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần xác định rõ trọng tâm, thế mạnh của mình để dựa trên nhu cầu thực tế mà có những sáng tạo về công nghệ hoặc cách thức tiếp cận những xu hướng, dịch vụ mới tiện dụng với người dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đổi mới, cũng cần lưu ý tới khoảng cách thế hệ, tiếp thu những giá trị, bài học kinh nghiệm của người đi trước để có thêm những ý tưởng phù hợp, vừa kế thừa những giá trị trước đó, vừa có đặc trưng riêng, sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ mà mình muốn phát triển. Sáng tạo, song phải đi kèm với thực tế và hướng đến hiệu quả lâu dài mới là sự khởi nghiệp bền vững nhất.