Sáng tạo, trách nhiệm trong phục vụ cộng đồng

Báo Người Lao Động và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác trong 6 lĩnh vực chính

Sáng 30-10, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM) và Báo Người Lao Động đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa 2 đơn vị. Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ Lễ khai khóa Cánh Buồm Xanh năm 2023 của Khoa Ngôn ngữ học.

Ý nghĩa, thiết thực

Báo Người Lao Động là cơ quan nhật báo trực thuộc Thành ủy TP HCM. Ngoài trụ sở chính tại TP HCM, báo có 5 văn phòng đại diện tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ và 1 văn phòng liên lạc ở Phú Quốc (Kiên Giang) cùng đội ngũ phóng viên thường trú, cộng tác viên ở hầu hết các tỉnh, thành và nhiều quốc gia trên thế giới. Trường ĐH KHXH&NV được thành lập vào năm 1957, một thành viên của hệ thống ĐHQG TP HCM. Hiện trường là trung tâm nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực KHXH&NV lớn nhất khu vực phía Nam.

Theo văn bản thỏa thuận hợp tác đã được ký, Báo Người Lao Động và Trường ĐH KHXH&NV sẽ cùng triển khai hợp tác trong 6 lĩnh vực chính: Học bổng cho sinh viên dân tộc thiểu số, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi; Phát động sinh viên đồng hành với chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" của Báo Người Lao Động; Tổ chức truyền thông sự kiện liên quan đến các hoạt động giáo dục, trong đó có chương trình tư vấn tuyển sinh thường niên "Đưa trường học đến thí sinh"; Triển khai tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập; Tiếp nhận chuyên gia, nhà báo thỉnh giảng, chia sẻ nghiệp vụ cho sinh viên, viên chức và người lao động của hai bên; Thúc đẩy các hoạt động hợp tác cùng có lợi khác.

Báo Người Lao Động và Trường ĐH KHXH&NV ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác Ảnh: Hoàng Triều

Báo Người Lao Động và Trường ĐH KHXH&NV ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác Ảnh: Hoàng Triều

Phát biểu tại buổi lễ, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, đánh giá việc ký kết giữa nhà trường và Báo Người Lao Động là sự kiện có nhiều ý nghĩa. Giữa Báo Người Lao Động và Trường ĐH KHXH&NV có nhiều điểm chung. Trong những thông điệp truyền tải qua từng hoạt động của Báo Người Lao Động đã tụ hội về bộ giá trị cốt lõi mà nhà trường đang theo đuổi, đó là sáng tạo, dẫn dắt và trách nhiệm.

Theo PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, tinh thần trách nhiệm của Báo Người Lao Động thể hiện qua công tác chuyên môn và các chương trình xã hội của báo. Đặc biệt nhất là chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" mà báo đã thực hiện trong những năm qua. Về phía Trường ĐH KHXH&NV, tinh thần trách nhiệm trong phục vụ cộng đồng được nhà trường phát huy mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, điển hình như chương trình Đại học xanh, Tình nguyện Mùa hè xanh…

"Khoa Ngôn ngữ học là đơn vị trực tiếp chủ trì, kết nối để thực hiện những hoạt động mà Trường ĐH KHXH&NV đã ký kết với Báo Người Lao Động. Tập thể Khoa Ngôn ngữ học sẽ sớm cụ thể hóa những nội dung mà 2 đơn vị đã ký kết. Chúng tôi mong rằng Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục đồng hành với nhà trường trong thời gian tới" - PGS-TS Ngô Thị Phương Lan nói.

TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cũng cho rằng điểm chung giữa Báo Người Lao Động và nhà trường chính là tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và sự nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ để đóng góp cho cộng đồng. Ông Tô Đình Tuân tin rằng việc hợp tác giữa 2 đơn vị sẽ có những kết quả cụ thể trong tương lai. Báo Người Lao Động sẽ nỗ lực hết mình để đồng hành với nhà trường và Khoa Ngôn ngữ học trong công tác giáo dục - đào tạo và truyền thông.

Tiếp sức sinh viên khó khăn

Dịp này, Báo Người Lao Động trao tặng học bổng cho 25 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Khoa Ngôn ngữ học. 25 suất học bổng với tổng trị giá 50 triệu đồng, được trích từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" do Báo Người Lao Động quản lý, điều hành.

Sinh viên Đặng Quốc Triệu (năm 1, Khoa Ngôn ngữ học) là 1 trong số 25 sinh viên của Khoa Ngôn ngữ học được trao học bổng trong đợt này. "Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng em sẽ không để điều này làm ảnh hưởng đến việc học. Ở tại ngôi trường này, em tin sẽ học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng về chuyên môn để có thể trở thành một biên tập viên như ước mơ. Học bổng em nhận được lần này đã hỗ trợ về vật chất và động viên rất lớn về tinh thần cho em, giúp em có thêm động lực và niềm tin để bước tiếp chặng đường sắp tới" - Đặng Quốc Triệu chia sẻ.

Cám ơn những phần học bổng mà Báo Người Lao Động đã trao cho sinh viên của khoa, TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Trưởng Khoa Ngôn ngữ học, tin rằng những suất học bổng tiếp thêm sức mạnh để sinh viên Khoa Ngôn ngữ học vượt qua khó khăn, vững bước trên con đường học tập. "Tập thể Khoa Ngôn ngữ học rất tự hào khi được giao nhiệm vụ phối hợp với Báo Người Lao Động để triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết. Từ nội dung ký kết, trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để lan tỏa những giá trị mà nhà trường và Báo Người Lao Động mong muốn hướng đến" - TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh khẳng định.

Mỗi sinh viên ủng hộ 1 lá cờ Tổ quốc

Tại chương trình, Khoa Ngôn ngữ học đã phát động sinh viên tham gia đóng góp cho chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động phát động, thực hiện, với mỗi sinh viên 1 lá cờ Tổ quốc.

Phát biểu phát động chương trình, sinh viên Lâm Thị Trúc Ly, Phó Bí thư Đoàn Khoa Ngôn ngữ học, nói chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" có nhiều ý nghĩa thiết thực, nhân văn. Việc sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, trong đó có Khoa Ngôn ngữ học hưởng ứng tham gia chương trình này là điều cần làm, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong các đoàn viên, thanh niên và sinh viên của nhà trường.

Lê Vĩnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/sang-tao-trach-nhiem-trong-phuc-vu-cong-dong-20231030210639329.htm