Sáng tạo trong cải cách hành chính
Năm 2023, công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đã có bước tiến lớn.
Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tại nhiều quận, huyện, thị xã đã áp dụng những cách làm sáng tạo, đổi mới, mang lại thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Giải quyết thủ tục hành chính “phi địa giới”
Từ ngày 16-10-2023, quận Hoàn Kiếm triển khai áp dụng sáng kiến thí điểm mô hình Trung tâm hành chính công “phi địa giới” cấp phường. Theo đó, các thủ tục “Xác nhận tình trạng hôn nhân”, “Trích lục hộ tịch” của 3 phường: Trần Hưng Đạo, Hàng Trống, Cửa Nam đều được giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Trần Hưng Đạo (số 29 phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm).
Khi bước vào Trung tâm phục vụ hành chính công phường Trần Hưng Đạo, sẽ có 2 công chức thường trực để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Với các thủ tục hành chính công “phi địa giới”, công dân có thể nộp trực tuyến hoặc nộp trực tiếp. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, công chức bộ phận “một cửa” sẽ chuyển qua hệ thống điện tử cho công chức tư pháp - hộ tịch phường nơi công dân đăng ký hộ khẩu thường trú để giải quyết các bước tiếp theo.
Bà Đinh Hồ Pha (phường Trần Hưng Đạo) chia sẻ: “Tôi đã làm nhiều thủ tục tại đây và thấy việc tổ chức trung tâm hành chính công cấp phường rất tiện lợi cho công dân; thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức nhiệt tình, chu đáo. Công dân đến không phải chờ đợi và nhận được kết quả sớm hơn so với trước đây”.
Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo Nguyễn Đình Thu cho biết, trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường phù hợp với đặc thù địa bàn quận Hoàn Kiếm, nơi các phường có diện tích nhỏ. Ưu điểm bước đầu khi tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực tư pháp tại phường Trần Hưng Đạo cho thấy, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” của phường Cửa Nam và phường Hàng Trống sẽ giảm được khối lượng công việc, có thêm thời gian để giải quyết các công việc khác. Sau hơn 3 tháng triển khai, trung tâm hành chính công cấp phường đã tiếp nhận 556 hồ sơ, toàn bộ đều được trả đúng và trước hạn, không có hồ sơ chậm, muộn.
“Trong tháng 1-2024, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết đánh giá sau 3 tháng thí điểm trung tâm hành chính công cấp phường, thống nhất phương án phối hợp giữa các phường để vận hành hiệu quả, thông suốt”, ông Nguyễn Đình Thu thông tin.
Nâng chất lượng phục vụ
Năm 2023, bộ phận “một cửa” UBND huyện Hoài Đức đã áp dụng nhiều mô hình sáng kiến. Trong đó, sáng kiến “Thông báo cho tổ chức, cá nhân về kết quả hết thời hạn sử dụng” được triển khai qua cách thức công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” đặt chế độ hẹn ngày hết hạn trên ứng dụng Excel đối với giấy chứng nhận, giấy phép do UBND huyện hoặc các phòng chuyên môn thuộc huyện cấp cho tổ chức, cá nhân đã thực hiện thủ tục hành chính tại UBND huyện, từ đó thông báo tới tổ chức, cá nhân để thực hiện các thủ tục hành chính tiếp theo. Đến nay, phương thức này đã nhắc hẹn 86 lượt tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận hoặc giấy phép hết thời hạn sử dụng và 1.355 trường hợp đăng ký hộ kinh doanh cần thực hiện thủ tục đăng ký thuế tại cơ quan thuế.
Theo bà Hoàng Hiền Hạnh, chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND huyện Hoài Đức, có một số người được công chức thông báo, hướng dẫn nên đã kịp thời hoàn thiện hồ sơ, tránh phải nộp phạt do hết hạn giấy phép, giấy chứng nhận, cắt giảm được chi phí, thời gian đi lại. Đối với cơ quan quản lý, việc áp dụng thực hiện sáng kiến này giúp thuận tiện theo dõi, quản lý, tăng sự hài lòng của người dân.
Với huyện Chương Mỹ, năm 2023, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình “Một cửa hiện đại, thân thiện, gần dân”, xây dựng, triển khai 14 sáng kiến, giải pháp trong công tác cải cách hành chính. Các sáng kiến đều hướng đến sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp như: Sáng kiến “Một hồ sơ - Hai kết quả”; “Các thủ tục hành chính không chờ”; “Hồ sơ ngoài giờ” và “Hồ sơ không hẹn” tại thị trấn Xuân Mai...
Chia sẻ kinh nghiệm về công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Trong năm 2023, quận đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính và công tác cán bộ. Quận luôn bám sát các kế hoạch và chỉ đạo của thành phố, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số. Trước những vướng mắc về kỹ thuật hay việc xử lý lỗi do phần mềm, chúng tôi đều trao đổi với Ban Chỉ đạo và Văn phòng UBND thành phố để được hỗ trợ kịp thời”.
Tháng 8-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4190/QĐ-UBND về việc ban hành Chỉ số cải cách hành chính của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2030. Trong cả hai bộ chỉ số đó đều có tiêu chí “Đổi mới, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính” với mức điểm tối đa là 1,50 điểm (trong thang điểm 100). Do đó, việc các địa phương chủ động áp dụng các mô hình sáng kiến rất cần thiết. Điều này góp phần thực hiện mục tiêu thành phố đã đề ra: Phấn đấu cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công (Chỉ số SIPAS) của thành phố năm 2023 đạt trên 85%, năm 2025 đạt từ 90% đến 95%.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sang-tao-trong-cai-cach-hanh-chinh-656877.html