Sáng tạo trong học và làm theo Bác

(Báo Quảng Ngãi)- "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn"- từ tâm niệm ấy, trong cuộc sống và công việc, nhiều cá nhân, tập thể đã có những việc làm thiết thực, ý nghĩa theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Họ đã tạo nên vườn hoa đẹp, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển địa phương, đơn vị.

Theo chân Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái, chúng tôi men theo con đường nhỏ được bê tông, hai bên đường là những ngôi nhà nhỏ với đầy ắp cây xanh để tìm đến ngôi nhà của anh Đinh Văn Móp (47 tuổi), ở thôn An Phương, xã Thanh An (Minh Long). Phía trước ngôi nhà nhỏ là xưởng mộc đã có từ chục năm nay với nhiều chiếc ghế gỗ thành phẩm và nhiều chi tiết gỗ đang được anh Móp khéo léo gia công.

Anh Móp chia sẻ, tôi bị tật ở chân nên không thể làm rừng, vì vậy, suốt 10 năm nay, tôi gắn bó với nghề mộc. Song, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên tôi chủ yếu làm thủ công và đem gỗ sang xưởng khác để gia công, rất tốn chi phí. Đầu năm 2023, tôi được hỗ trợ 15 triệu đồng từ mô hình “Cán bộ, đảng viên đồng hành với nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022 - 2025”. Vợ chồng tôi thêm vào ít tiền tích góp được để mua máy làm mộc. “Từ ngày có máy làm mộc, tôi tiết kiệm được chi phí và thời gian; đồng thời tăng số lượng thành phẩm, cải thiện được kinh tế cho gia đình”, anh Móp phấn khởi nói.

Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái (bên trái) thăm xưởng mộc của anh Đinh Văn Móp, ở thôn An Phương, xã Thanh An sau khi được hỗ trợ mua máy làm mộc. Ảnh: THANH THUẬN

Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái (bên trái) thăm xưởng mộc của anh Đinh Văn Móp, ở thôn An Phương, xã Thanh An sau khi được hỗ trợ mua máy làm mộc. Ảnh: THANH THUẬN

Mô hình “Cán bộ, đảng viên đồng hành với nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022 - 2025” được Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Long phát động triển khai được 2 năm nay. Mỗi tháng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị từ huyện đến các thôn tự nguyện ủng hộ từ 5.000, 10 nghìn, 20 nghìn đồng hoặc nhiều hơn tùy khả năng. Đảng viên Nguyễn Thị Thùy, thuộc Chi bộ Văn phòng Huyện ủy Minh Long cho biết, là đảng viên trẻ, tôi rất ủng hộ mô hình này. Dù số tiền hằng tháng hỗ trợ không đáng là bao nhưng góp ít thành nhiều, thể hiện trách nhiệm, tình cảm với những người dân nghèo để họ có phương tiện sản xuất, phát triển kinh tế tốt hơn. Tôi cũng hy vọng với cách thức này, các hộ gia đình sẽ tự vươn lên, thoát khỏi hộ nghèo, làm giàu chính đáng.

Qua 2 năm thực hiện, huyện Minh Long đã vận động được hơn 200 triệu đồng và xét chọn 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ cây, con giống, tư liệu sản xuất, ngày công hoặc hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. “Giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đồng hành, hỗ trợ người dân thoát nghèo vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm nhưng cũng là việc làm sẻ chia, tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên với mong muốn nhiều gia đình thoát được cái khổ, cái nghèo và cuộc sống ngày một khá lên. Để tạo sức lan tỏa hơn cho mô hình này, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ kêu gọi từ cộng đồng các doanh nghiệp tự nguyện đồng hành cùng Đảng bộ huyện trong công tác giảm nghèo, giai đoạn 2020 - 2025”, Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái chia sẻ.

Mỗi năm, từ mô hình Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo” ở xã Đức Phong (Mộ Đức) đã có nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kịp thời. Ảnh: TP

Mỗi năm, từ mô hình Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo” ở xã Đức Phong (Mộ Đức) đã có nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kịp thời. Ảnh: TP

Mô hình Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo”, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) được biết đến là cách làm sáng tạo trong việc chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là hộ nghèo. Xã Đức Phong có dân số đông, địa hình rộng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,1%). Xuất phát từ thực tế đó, địa phương đã xây dựng mô hình Tổ tự quản “Chăm lo cho người nghèo”. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đức Phong Nguyễn Hải Âu, nhiệm vụ chính của Tổ là phối hợp với các tổ chức đoàn thể, nhân dân khảo sát, phát hiện và tiếp nhận các thông tin về các hoàn cảnh của hộ đặc biệt khó khăn, các hộ gia đình trên địa bàn gặp khó khăn đột xuất do tai nạn, bệnh tật để báo cáo với chính quyền và Mặt trận xã cho ý kiến về việc kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ. Với trách nhiệm và tình cảm, công tác chăm lo cuộc sống của người nghèo luôn được tập thể Tổ tự quản cố gắng, nỗ lực thực hiện, đạt nhiều kết quả.

Từ năm 2021 đến nay, Tổ đã vận động, quyên góp số tiền gần 1 tỷ đồng hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo với nhiều suất quà ý nghĩa; sửa chữa, làm mới nhà ở để người dân vươn lên thoát nghèo. Đáng mừng nhất là, các thành viên Tổ tự quản cũng như người dân đã đồng thuận và hưởng ứng. Công tác tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Tổ tự quản từng bước được đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; thể hiện sinh động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn xã.

Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, em Hồ Thị Vỹ Hòa, ở thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm (Trà Bồng) luôn thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa khác, em chỉ có tình yêu thương của mẹ. Thế nhưng vài năm trước, mẹ em cũng bị tai biến, sức khỏe yếu, không có công việc ổn định khiến cuộc sống gia đình đã khó càng thêm khó. Trong quá trình công tác, đi cơ sở, các cán bộ, chuyên viên của Chi bộ Hội LHPN huyện Trà Bồng tình cờ biết đến hoàn cảnh của em Hòa. Không cầm lòng trước hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con em và muốn trở thành điểm tựa để em Hòa có thêm nghị lực vươn lên, vững bước đến trường, Chi bộ Hội LHPN huyện Trà Bồng đã quyết định nhận đỡ đầu, hỗ trợ thường xuyên cho em.

“Chi bộ nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho em Hòa lúc em đang học lớp 7 và đến nay em đã học lớp 11 tại Trường THPT Trà Bồng. Suốt 4 năm qua, chúng tôi luôn đồng hành, quan tâm em như một người con trong gia đình. Ngoài việc thăm hỏi, động viên, tặng quà vào những ngày lễ, Tết thì định kỳ mỗi tháng, chi bộ hỗ trợ 300 nghìn đồng cho em. Dù số tiền tuy không lớn nhưng đó là tấm lòng, sự yêu thương mà các đảng viên trong chi bộ dành cho em”, Phó Bí thư Chi bộ Hội LHPN huyện Trà Bồng Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

Trường Tiểu học và THCS Ba Lế, xã Ba Lế (Ba Tơ) nằm giữa bốn bề rừng núi, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số Hrê. Gia đình các em hầu hết đều thuộc hộ nghèo, nên cái ăn, cái mặc luôn thiếu thốn. Do vậy, trước đây buổi sáng học trò đến trường và trưa thì về nhà, bữa cơm chỉ có nước mắm, cùng lắm là vài con cá khô... Cuộc sống vất vả khiến nhiều em chỉ đọc được con chữ thì bỏ học. Để các em học sinh bám trường bám lớp học tập, nhiều năm qua, thầy cô giáo công tác tại trường đã kêu gọi nhà hảo tâm và góp tiền mua thức ăn, nấu hàng chục suất cơm mỗi ngày với đầy đủ thịt, rau, trứng, cá. Nhờ vậy mà vài năm trở lại đây, việc vận động học sinh đến trường đỡ vất vả hơn, gần như các em đi học đầy đủ.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Lế, xã Ba Lế (Ba Tơ) với những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng. Ảnh: H.THU

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Lế, xã Ba Lế (Ba Tơ) với những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng. Ảnh: H.THU

Trường Tiểu học và THCS Ba Lế là điểm sáng trong thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị. Từ năm 2021 đến nay, chi bộ đã triển khai tổ chức thực hiện thành công 2 mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là mô hình “Giúp đỡ học sinh khu nội trú tự học, tự quản vào buổi tối” và mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không có ma túy, bạo lực học đường”.

Riêng với mô hình “Giúp đỡ học sinh khu nội trú tự học, tự quản vào buổi tối”, nhà trường tuyên truyền vận động để mỗi đảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia việc hướng dẫn học sinh tự học, tự quản vào buổi tối. Mô hình được tổ chức thực hiện và duy trì từ năm 2018 đến nay. Mỗi năm học, có khoảng 230 lượt trực vào buổi tối của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Qua đó, đã góp phần duy trì sĩ số học sinh, tạo nền nếp trong việc tự học và tự quản của học sinh ở khu nội trú, giúp các em kịp thời bổ sung kiến thức trước khi đến lớp, phụ đạo cho các em có học lực yếu kém, hạn chế tỷ lệ học sinh yếu kém, bỏ học giữa chừng, đồng thời giúp các em mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp.

Anh Phạm Văn Phú, ở thôn Long Bàn, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) lắp ráp xe đạp tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: THANH THUẬN

Anh Phạm Văn Phú, ở thôn Long Bàn, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) lắp ráp xe đạp tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: THANH THUẬN

TH.THUẬN - TR.PHƯƠNG - H.THU
Kỳ 2: Chọn việc dân cần

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202406/sang-tao-trong-hoc-va-lam-theo-bac-aac5076/