Sáng tạo - từ khóa trong phát triển công nghiệp văn hóa: Mở rộng cơ hội sáng tạo cho giới trẻ
Các bạn trẻ mong muốn có nhiều không gian sáng tạo; Đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp và sáng tạo nên theo hướng liên ngành; Các di sản mới và các di sản tiềm năng sẽ 'thức giấc' theo cách hoàn toàn mới.
Bà Trần Thị Ngọc Hân (Ban Văn hóa - Văn phòng UNESCO tại Hà Nội):
Các bạn trẻ mong muốn có nhiều không gian sáng tạo
Năm 2021, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã tổ chức cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội Là”. Mặc dù diễn ra trong thời kỳ dịch Covid-19 còn có diễn biến phức tạp, gặp rất nhiều khó khăn nhưng cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ lớn từ các bạn thanh niên. Có khoảng 250 tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ ở trong và ngoài nước gửi về dự thi, và 2 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội. Có thể nói, những hoạt động như cuộc thi “Hà Nội Là” cho thấy tiềm năng sáng tạo của các bạn trẻ Việt Nam là rất lớn. Các tác phẩm sau đó đã được giới thiệu tại triển lãm, thu hút sự quan tâm của công chúng cũng như các nhà quản lý bởi nó mang đến cái nhìn khác về vẽ minh họa nói riêng và khả năng sáng tạo nói chung của giới trẻ.
Tại một số diễn đàn về chủ đề Hà Nội - thành phố sáng tạo, một trong những điều mà các bạn trẻ mong muốn là sẽ có sự hiện diện của nhiều trung tâm và không gian sáng tạo, nơi các sản phẩm được hệ thống hóa và cũng là nơi mà giới trẻ có thể tiếp cận, thoải mái thử nghiệm với những công cụ sản xuất mới. Các bạn trẻ cũng thấy rằng, cần có một bộ quy tắc ứng xử chung cho ngành nghề sáng tạo để với một tầm nhìn chung, mọi người cùng làm việc, cùng phát triển. Thực tế cho thấy, các đơn vị tham gia lĩnh vực sáng tạo vẫn đang vận hành rời rạc, thiếu sự hợp tác, liên kết.
Mong muốn thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo và chế tác kỹ thuật số tại Hà Nội, dự án Hà Nội Rethink - Nghĩ khác về Hà Nội, đã được đề xuất. Đây là dự án chung của UNESCO, UNIDO và UN-Habitat được thực hiện từ tháng 6-2022 đến tháng 3-2023, nằm trong khuôn khổ chương trình chung mang tên Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho Thủ đô sáng tạo. Dự án tập trung vào 3 mảng theo 3 trụ cột của thành phố sáng tạo, đó là tái tạo đô thị, sự năng động về văn hóa, giáo dục sáng tạo. Các hoạt động của dự án xoay quanh 3 lĩnh vực này và được phân cho 3 tổ chức có thế mạnh khác nhau để thực hiện. UNESCO chủ yếu thực hiện các sự kiện văn hóa, UNIDO hỗ trợ các nhà thiết kế trẻ, còn UN-Habitat tập trung vào xây dựng đô thị, trong đó có phát triển các không gian công cộng.
Hoạt động gần đây nhất trong khuôn khổ dự án nói trên là cuộc thi Nhiếp ảnh sáng tạo dành cho người trẻ nhằm tạo ra sân chơi phù hợp, qua đó khuyến khích giới trẻ khám phá Hà Nội thông qua những lăng kính và góc nhìn sáng tạo. Cuộc thi dành cho tất cả các cá nhân yêu thích nhiếp ảnh, bất kể là chuyên nghiệp hay không chuyên, tuổi từ 14 - 32, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, quốc tịch hay địa điểm sinh sống và làm việc.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội:
Đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp và sáng tạo nên theo hướng liên ngành
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mức đóng góp GDP của các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo năm 2018 ở nước ra là 3,61%; tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực này là 3,51% trong tổng số lao động trên phạm vi cả nước. Có thể nói, mặc dù đây là những con số rất đáng khích lệ đối với một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, nhưng rõ ràng là chưa tương xứng với tiềm năng của một thị trường lao động trẻ trong một quốc gia có dân số lên tới gần 100 triệu người cùng bề dày lịch sử, văn hóa ấn tượng.
Các phân tích cho thấy, sự phát triển của công nghiệp văn hóa - sáng tạo ở Việt Nam hiện gặp một loạt thách thức: Mạng lưới các doanh nhiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa còn nhỏ, chủ yếu là hoạt động dịch vụ; khâu sản xuất chất lượng thấp, quy mô nhỏ. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng, hoàn toàn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Kinh nghiệm phát triển của một số quốc gia đi đầu về lĩnh vực này cho thấy, hệ thống giáo dục đại học đóng vai trò như là trung tâm chính đào tạo nguồn nhân lực và là nhân tố góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
Ở nước ta, mặc dù có sự hỗ trợ của Nhà nước, hoạt động đào tạo văn hóa - nghệ thuật chủ yếu vẫn diễn ra dưới mô hình đào tạo đơn ngành truyền thống, hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu về lao động của công nghiệp văn hóa - sáng tạo. Thay vì nhấn mạnh vào tài năng cá nhân, mô hình giáo dục công nghiệp văn hóa - sáng tạo hướng tới việc đào tạo các cộng đồng thực hành có kỹ năng và tư duy liên ngành, có khả năng tham gia nhiều vị trí khác nhau trong các hoạt động sáng tạo.
Bên cạnh đó, trường đại học liên quan tới công nghiệp văn hóa và sáng tạo cũng là địa điểm trao đổi, đối thoại giữa những người sáng tạo nghệ thuật với các doanh nghiệp; gắn kết việc sáng tạo với khởi nghiệp kinh doanh, góp phần thúc đẩy công nghiệp sáng tạo mang tính chất thương mại, vượt qua tính chất nghệ thuật thuần túy, đáp ứng trực tiếp nhu cầu xã hội.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt:
Các di sản mới và các di sản tiềm năng sẽ "thức giấc" theo cách hoàn toàn mới
Dù mới đưa vào hoạt động thử nghiệm nhưng hiện ước tính, mỗi tháng Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt thu hút gần 20 nghìn lượt khách tham quan, 70% trong số đó là giới trẻ. Cách thức sáng tạo độc đáo trong kiến trúc công trình, sáng tạo đổi mới không ngừng trong cách vận hành và các chương trình hoạt động đã giúp Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt kết nối thành công giới trẻ với nghề truyền thống một cách tự nhiên.
Nơi đây kể câu chuyện nghìn năm hình thành làng nghề Bát Tràng cũng như câu chuyện của 19 dòng họ gốc của Bát Tràng đến đây và lập nghiệp thành công, đồng thời cũng là câu chuyện của người sáng lập, xây dựng mô hình Bảo tàng gốm - cô Hà Thị Vinh. Câu chuyện của Bảo tàng gốm, của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt là câu chuyện truyền thống ngàn năm được chúng tôi kể theo cách mới, mang hơi thở đương đại và rất phù hợp với giới trẻ.
Bảo tàng gốm là trái tim của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt và xung quanh nó sẽ là các hoạt động vệ tinh, từ hoạt động nghệ thuật đương đại, hoạt động trải nghiệm làm gốm, trưng bày tinh hoa làng nghề Hà Nội cho đến các hoạt động trải nghiệm về du lịch. Hiện nay, Tinh hoa làng nghề Việt được nhiều đơn vị chọn là nơi tổ chức sự kiện quan trọng, như show thời trang “Bước chân di sản”, chương trình trải nghiệm của thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới... Nhiều bạn trẻ, học sinh và sinh viên các trường học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận chọn Tinh hoa làng nghề Việt là điểm đến tham quan, nơi tương tác văn hóa, giao lưu, trải nghiệm nghệ thuật mới.
Liên quan tới vấn đề phát huy khả năng sáng tạo dựa trên nền tảng truyền thống và hướng tới cộng đồng, mô hình Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt gợi mở hướng đi mới, đặc biệt là cho các làng nghề, cho các chủ đầu tư quay về khai thác yếu tố truyền thống, làm mới truyền thống để các di sản mới và các di sản "đang ngủ" sẽ thức giấc theo cách hoàn toàn mới.