Sáng tạo từ mô hình dân vận khéo 'Mỗi xã, cơ quan, đơn vị giúp mỗi bản'
'Khéo' trong lãnh đạo, 'khéo' huy động các nguồn lực xã hội hóa, 'khéo' trong phối hợp thực hiện các công trình, phần việc... mô hình dân vận khéo 'Mỗi xã, cơ quan, đơn vị giúp mỗi bản' đã vẽ nên bức tranh đẹp, đa sắc màu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) của tỉnh. Với nhiều cách làm hay, mang lại giá trị nhân văn sâu sắc, phát huy hiệu quả trong thực tiễn, 'Mỗi xã, cơ quan, đơn vị giúp mỗi bản' được Ban Dân vận Trung ương ghi nhận là mô hình mới, sáng tạo nhất trong cả nước.Cùng với các chính sách toàn diện, đồng bộ của Đảng, Nhà nước, chương trình, chính sách ưu tiên của tỉnh đối với vùng có ĐBDTTS và miền núi, sự vào cuộc của các ngành, địa phương, đơn vị và cách làm sáng tạo của ngành Dân vận Quảng Bình, mô hình dân vận khéo 'Mỗi xã, cơ quan, đơn vị giúp mỗi bản' góp phần mang niềm vui, hơi ấm, kỳ vọng mới về cuộc sống ấm no cho ĐBDTTS địa bàn tỉnh. Chính sự đổi thay về nhận thức, hành động, mong muốn thoát nghèo, tìm thấy niềm vui trong lao động sản xuất của ĐBDTTS là một trong những yếu tố tiên quyết để bà con rút ngắn hành trình thoát nghèo còn nhiều gian nan phía trước.
Vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh có diện tích tự nhiên khoảng 3.845km2, trên 6.000 hộ với gần 28.000 khẩu; trong đó gần 56% là hộ nghèo và cận nghèo. Thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 02-CT/TU, ngày 22/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” ở vùng ĐBDTTS. Sau 1 năm nỗ lực thực hiện, công tác “Dân vận khéo” theo giải pháp “Mỗi xã, mỗi cơ quan, đơn vị giúp mỗi bản” ở vùng ĐBDTTS đã mang lại hiệu quả thiết thực với nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo từ các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Quyết tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con ĐBDTTS, Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch đã triển khai mô hình dân vận khéo “Mỗi xã giúp mỗi bản”, phân công 22 xã, thị trấn vùng đồng bằng giúp 22 bản miền núi. Đến nay, các xã được phân công giúp đỡ đã thực hiện 96 mô hình, công trình, phần việc tại các bản với tổng trị giá trên 6,1 tỷ đồng.
Theo con đường 20 Quyết thắng huyền thoại, đoàn cán bộ, nhân dân xã Trung Trạch (Bố Trạch) hướng về bản Nịu (xã Thượng Trạch, Bố Trạch), bản do xã giúp đỡ theo sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch. Bà con dân bản đón đoàn với nụ cười thân thuộc, chân chất. Quà tặng bà con lần này là 200 gốc bơ và 50 con ngan giống. Sau những cái bắt tay, chào hỏi ấm nồng chị em phụ nữ Trung Trạch nhanh chóng hướng dẫn chị em bản Nịu cách trồng rau. Những con ngan được ấp giống ở đồng bằng cũng bắt đầu làm quen với nơi ở mới, nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Nói về hành trình giúp đỡ bản Nịu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Trạch Trần Xuân Hợi cho hay: “Đảng ủy xã đã thành lập ban chỉ đạo, chọn giúp những nội dung gì, phương thức, cách thức thực hiện như thế nào nhằm bảo đảm hiệu quả thiết thực nhất. Từ cơ sở đó, Đảng ủy thành lập đoàn khảo sát lên nắm lại tình hình đời sống, sinh hoạt của bà con ở bản Nịu. Sau khi có sự trao đổi, bàn bạc của lãnh đạo xã Thượng Trạch cũng như bản Nịu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, Đảng ủy xác định, chọn ra các mô hình sinh kế, công trình, phần việc cấp bách để kịp thời hỗ trợ”.
Mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản” ở Bố Trạch đã thể hiện rõ việc thay đổi thực chất, toàn diện nội dung, phương thức công tác dân vận của cả hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là minh chứng cho công tác dân vận ngày càng tập trung hướng về cơ sở, vì cơ sở.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bố Trạch Nguyễn Quốc Hạnh nhấn mạnh: “Chúng tôi hướng dẫn cho các xã tập trung vào mô hình dân sinh, vào các hộ có chí làm ăn, từ đó nhân rộng ra toàn bản. Thực hiện mô hình, nhiều xã xây dựng các tổ sản xuất, phân công các đồng chí cán bộ bám bản để nắm thông tin, kiểm tra các hoạt động, công trình, phần việc xã triển khai. Rồi phân công đảng viên bám hộ gia đình, giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như hướng dẫn các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để bảo đảm phát triển bền vững. Đây là một mô hình mang tính nhân văn, khối dân vận cơ sở đã tham gia huy động nhiều nguồn lực để giúp đỡ các bản. Đặc biệt, kinh phí thực hiện mô hình hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa”.
Thông qua hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy, cách làm hay trong dân vận khéo ở vùng ĐBDTTS đã lan tỏa sâu rộng trên toàn tỉnh. Mô hình “Dân vận khéo” giúp các bản thuộc 2 xã Trường Sơn, Trường Xuân phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự của Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh được triển khai tích cực và phát huy hiệu quả rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước được nâng lên.
Địa hình cách trở, biệt lập, chỉ có thể giao thương bằng đường sông, thiếu đất sản xuất, chị Hồ Thị Đụt cũng như bà con ở bản Hôi Rấy (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) chỉ biết vào rừng khai thác lâm sản phụ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Từ khi được hỗ trợ 3 con lợn giống, chị cần mẫn chăn nuôi, đến nay, đã xuất bán lợn hơi, thu về gần 30 triệu đồng.
Bà con Bru-Vân Kiều giờ đã thay đổi nếp nghĩ, nhất là những người trẻ như Hồ Văn Anh (bản Ploang, xã Trường Sơn) đã không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại. Được tặng con giống, hỗ trợ làm chuồng, Văn Anh dần dần biết cách chăn nuôi theo phương thức mới, nhân rộng đàn dê từ 3 con được hỗ trợ ban đầu để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quảng Ninh Hoàng Xuân Thiết chia sẻ: “Ngoài việc hỗ trợ các mô hình sinh kế, Quảng Ninh cũng chú trọng các mô hình sửa chữa, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt cộng đồng, như: Công trình nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho đồng bào bản Dốc Mây; hỗ trợ máy làm đất và van khóa nước điều tiết nước tưới lúa; nâng cấp hệ thống máy bơm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho bản Cây Sú; hỗ trợ 200 ống và co đấu nối dẫn nước phục vụ sản xuất; các thiết chế văn hóa, trạm truyền thanh bản, nhà vệ sinh cho các hộ gia đình... với tổng kinh phí các công trình, phần việc gần 2,1 tỷ đồng và trên 500 ngày công”.
Đến nay, đối với các huyện có ĐBDTTS, tổng kinh phí đã giúp đỡ, hỗ trợ các bản trên 13,3 tỷ đồng. Có thể kể đến, như: Các tổ chức chính trị-xã hội huyện Tuyên Hóa xây dựng được 5 mô hình “Dân vận khéo” tại các bản với kinh phí trên 190 triệu đồng và hàng trăm ngày công. Ủy ban MTTQVN huyện Lệ Thủy và các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện triển khai nhiều nội dung, phần việc thiết thực, cụ thể tại các bản với tổng số tiền trên 570 triệu đồng. Các đơn vị được phân công giúp đỡ các bản của huyện Minh Hóa tổ chức khảo sát và trực tiếp thực hiện các công trình, phần việc với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng.
Đặc biệt, chương trình có sự chung tay đầy ý nghĩa của các địa phương không có ĐBDTTS và các sở, ngành cấp tỉnh, như: Thành ủy Đồng Hới chỉ đạo các ngành trực thuộc triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa tại bản Rào Con (thị trấn Phong Nha, Bố Trạch) với nguồn kinh phí trên 600 triệu đồng; Tỉnh đoàn thực hiện công trình thanh niên “Hỗ trợ xây dựng đời sống, kinh tế, văn hóa, cơ cấu hạ tầng nông thôn mới cho đồng bào dân tộc Chứt, bản K-Ai, xã Dân Hóa, Minh Hóa” với tổng kinh phí trên 3,7 tỷ đồng.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh gắn việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” với triển khai hiệu quả hoạt động tổ công tác dân vận, hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, kết nghĩa tại các bản vùng ĐBDTTS với tổng kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng và hơn 2.000 ngày công. Công an tỉnh gắn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” với tổ chức các chương trình “Vùng biên yêu thương”, “Cùng em đến trường-Cơm trưa cho em”, kết nối huy động các nguồn hỗ trợ xây dựng các trường học có kinh phí gần 4 tỷ đồng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến rừng có nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” tại vùng ĐBDTTS với nhiều công trình, phần việc ý nghĩa có tổng kinh phí 20 tỷ đồng...
Đánh giá hiệu quả mô hình, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Xuân Khánh khẳng định: “Sau 1 năm triển khai mô hình dân vận khéo “Mỗi xã, cơ quan, đơn vị giúp mỗi bản”, đến nay, bộ mặt vùng ĐBDTTS của tỉnh đã thực sự khởi sắc. Mô hình góp phần giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm và phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, mô hình tạo sự gắn kết giữa cán bộ, nhân dân vùng xuôi và bà con dân bản, từ đó củng cố, tăng cường tình đoàn kết dân tộc nơi biên giới. Kết quả của mô hình cũng khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát đúng của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân”.
Có thể nói, chủ trương sát đúng, kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được các cấp, ngành “khéo” triển khai bằng các giải pháp, cách làm sáng tạo. Các địa phương có ĐBDTTS đã “khéo” trong đề ra chủ trương lãnh đạo, phân công phụ trách giúp các bản. Các đơn vị, địa phương đảm nhận giúp các bản “khéo” trong huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa và vận động nhân dân các bản phối hợp thực hiện các nội dung hỗ trợ. Các sở, ngành, lực lượng, địa phương không có ĐBDTTS “khéo” trong phối hợp thực hiện các công trình, phần việc tại các bản...