Sáng tạo từ niềm đam mê khoa học
PTĐT - Xuất thân từ vùng quê nghèo, hai em Nguyễn Tài Vinh và Ninh Quang Linh-Trường THPT Lương Sơn, huyện Yên Lập thấy người dân quê mình xử lý rác thải chủ yếu bằng cách thông thường là chôn lấp hoặc đốt trực tiếp. Việc xử lý rác thải như vậy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Từ thực tế đó, hai em đã tìm tòi nghiên cứu và sáng tạo ra “lò xử lý khí thải cacbon monooxit và một số độc tố trong rác thải sinh hoạt”. Được sự ủng hộ, giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo và gia đình, đề tài “lò xử lý khí thải cacbon monooxit và một số độc tố trong xử lý rác thải sinh hoạt” đã ra đời. Đề tài được giải Nhất cấp tỉnh và giải Nhì cấp quốc gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT năm học 2018 – 2019.Sau một thời gian nghiên cứu và chế tạo, sản phẩm được hội đồng ban giám khảo cuộc thi KHKT của tỉnh đánh giá cao và lọt vào tốp những sản phẩm đi dự thi cấp quốc gia. Tại đây, Nguyễn Tài Vinh và Ninh Quang Linh đã tự tin trình bày về những ưu điểm nổi bật của sản phẩm. Lò xử lý gồm có ba phần bao gồm lò đốt được lấy cảm hứng từ lò đốt rác của người dân địa phương nhưng được cải tiến để khắc phục hạn chế của các loại lò hiện hành. Buồng xử lý khí cacbon monooxit (khí CO) và buồng xử lý cyclone cùng với bể chứa nước vôi trong, than hoạt tính để hấp thụ khí độc một cách hiệu quả và triệt để nhất. Khí thải đi ra từ lò đốt đảm bảo theo quy chuẩn quốc gia QC 61-MT:2016/BTNMT về đốt chất thải rắn được Sở tài nguyên và môi trường tỉnh kiểm nghiệm. Sản phẩm được hội đồng khoa học quốc gia đánh giá cao cả về tính sáng tạo và khả năng áp dụng trong thực tiễn.
Hai em còn ấp ủ dự định biến sản phẩm khoa học trên giấy trở thành công trình lò xử rác thải trong thực tế. Nơi đầu tiên xây dựng công trình chính là trường THPT Lương Sơn. Một lò xử lý rác thải quy mô gọn, nhẹ xây dựng trên diện tích khoảng 18 m2. Thầy Hoàng Quang Châm – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Công đoạn phân loại rác được xử lý ngay từ trên lớp học. Mỗi lớp sẽ có một thùng rác đựng chai nhựa và giấy vụn để mang đi tái chế. Số rác còn lại sẽ được đưa ra lò đốt. Thấy được ý nghĩa thiết thực và việc vận hành lò đốt đơn giản hiệu quả nên được học sinh nhà trường hưởng ứng tham gia nhiệt tình. Qua việc làm này nhà trường mong muốn mỗi học sinh sẽ có thái độ tích cực trong xử lí rác sinh hoạt nói riêng và là tuyên truyền viên nhiệt tình cho công tác bảo vệ môi trường nói chung”. Không chỉ xử lý được rác thải mà ý thức phân loại rác bảo vệ môi trường của các bạn học sinh cũng được nâng cao rất nhiều. Sau khi thử nghiệm thành công tại trường, lò xử lý rác thải sinh hoạt hứa hẹn sẽ có thể áp dụng cho những khu dân cư và các cơ quan đơn vị khác trong địa bàn huyện.Vượt lên trên những thiếu thốn và khó khăn, tinh thần tự học, sáng tạo và không ngừng vươn lên của hai em Nguyễn Tài Vinh và Ninh Quang Linh nói riêng cũng như tập thể thầy và trò trường THPT Lương Sơn nói chung luôn là tấm gương, thắp sáng niềm đam mê nghiên cứu khoa học ở vùng miền núi còn khó khăn.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/khoa-hoc-cong-nghe/201909/sang-tao-tu-niem-dam-me-khoa-hoc-167002