Sáng tỏ thêm những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc

Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 55 (năm 2020) nhận được 450 thông báo, cho thấy hoạt động khảo cổ học trong năm 2019 và 2020 diễn ra đều khắp trên các miền đất nước và đạt hiệu quả cao, trong đó có nhiều kết quả nổi bật.

Trong năm 2019 và 2020, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, Viện Khảo cổ học và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thăm dò khai quật cụm di chỉ Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Các nhà khảo cổ học đã khẳng định rõ hơn cụm di chỉ Vườn Chuối là di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, phát triển liên tục từ giai đoạn Gò Mun đến giai đoạn Đông Sơn. Các nghiên cứu về mộ táng, đặc điểm nhân chủng, bào tử phấn hoa ở cụm di chỉ Vườn Chuối cũng góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử vùng Thủ đô Hà Nội thời tiền-sơ sử. Từ những kết quả khảo sát và khai quật, các cơ quan đã đề xuất với TP Hà Nội những phương án xử lý di tích, di vật. Việc cố gắng kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển ở đây nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan liên quan và các nhà khoa học từ Trung ương đến địa phương.

 Bãi cọc Cao Quỳ trở thành điểm tham quan lịch sử khảo cổ của Hải Phòng.Ảnh: HOÀNG QUÂN.

Bãi cọc Cao Quỳ trở thành điểm tham quan lịch sử khảo cổ của Hải Phòng.Ảnh: HOÀNG QUÂN.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và Đại học Đông Á (Nhật Bản) tiến hành tập trung nghiên cứu cấu trúc và niên đại đoạn thành ngoại phía nam, đồng thời khoan thăm dò địa tầng các vị trí trong khu vực thành nội và khu vực chân thành ngoại phía nam Luy Lâu. Từ kết quả nghiên cứu, khai quật năm nay, kết hợp các kết quả nghiên cứu cắt thành những năm 1969-1970, 1986, 2001 cho thấy, thành cổ Luy Lâu được xây dựng, mở rộng trong nhiều giai đoạn-từ thời Đông Hán (thế kỷ 1-3) đến thời Đường (thế kỷ 7-9) và có thể được tu bổ nhỏ vào thời Trần (thế kỷ 13-14).

Ban quản lý Di sản thế giới Mỹ Sơn cùng với các chuyên gia khảo cổ Italy (Quỹ Lerici) và Viện Khảo cổ học khai quật nghiên cứu khu vực tháp L-Mỹ Sơn (Quảng Nam). Kết quả cho thấy, tháp L là một cụm di tích có tính chất tương tự hai khu tháp H và G chứ không phải là một tháp đơn lẻ. Cũng tại Mỹ Sơn, quá trình trùng tu di tích đã làm phát lộ di tích đền A10 có niên đại cuối thế kỷ 9 và nhiều di vật. Việc phát lộ này đã làm rõ chức năng của ngôi đền A10 là thờ thần Shiva qua biểu tượng linga. Một số cuộc khảo sát các di tích văn hóa Chămpa khác cũng đã được thực hiện như: Điều tra, thám sát di tích Gò Lồi (Quảng Nam); khảo sát tháp Hòn Chuông (Bình Định); khảo sát giếng cổ ở Thừa Thiên-Huế, Phú Yên và Khánh Hòa; khảo sát dấu tích kiến trúc Chămpa ở xã Hòa Tân (Đắc Lắc); khảo sát các di tích Chămpa tại huyện Phù Cát (Bình Định).

Tháng 8-2020, tại xã Gia Thủy (Nho Quan, Ninh Bình), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khai quật khảo cổ học và nghiên cứu lịch sử-văn hóa khu vực này với nhiều kết quả đáng chú ý. Những kết quả nghiên cứu góp phần làm rõ hơn những đường nét lịch sử-văn hóa, vai trò và vị thế của vùng đất Gia Thủy trong vùng tam giác Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư thời kỳ “tiền Hoa Lư”-khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên.

Cuộc khai quật hệ thống cọc ở Cao Quỳ và Đầm Thượng (ở xã Liên Khê và xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) được coi như phát hiện đáng kể nhất của ngành khảo cổ năm 2019-2020. Đã có 8 thông báo liên quan đến hai cuộc khai quật bãi cọc Cao Quỳ và Đầm Thượng. Bãi cọc Cao Quỳ qua hai lần khai quật đã phát hiện 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc, 4 hố đất đen. Tại Đầm Thượng phát hiện 38 cọc gỗ. Di vật thu được từ các hố khai quật còn gồm đồ sắt, dây chão... Từ kết quả khai quật khảo cổ học, kết quả xác định niên đại tuyệt đối mẫu cọc gỗ phát hiện được, kết hợp các nguồn tư liệu liên ngành, bước đầu đoàn khai quật nhận định, di tích bãi cọc Cao Quỳ là trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ 13, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến/chiến trường Bạch Đằng chống quân xâm lược Nguyên, năm 1288 của quân dân triều Trần. Cùng với cuộc khai quật tại Thủy Nguyên (Hải Phòng), ở Quảng Ninh, Bộ môn Khảo cổ học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) tiến hành khai quật di tích Thiên Long Uyển. Kết quả khai quật di tích này mở ra một triển vọng nghiên cứu mới về hệ thống các di tích bãi cọc thuộc chiến trường Bạch Đằng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.

Một năm làm việc vất vả của các nhà khảo cổ học đã mang lại những thông tin khoa học mới, bổ sung những cứ liệu vật thật giúp các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam, lịch sử hình thành và phát triển con người Việt Nam. Việc bảo tồn các di chỉ di tích cũng để phát huy các giá trị của chúng trong quá trình phát triển, để di sản không mất đi mà đóng góp vào sự phát triển bền vững đất nước.

VƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/sang-to-them-nhung-gia-tri-van-hoa-lich-su-dan-toc-642762