Sáng tỏ vụ 'thất lạc' hồ sơ cán bộ 32 năm
PTĐT - Quân nhân, cán bộ đi B, cán bộ Ủy Ban Thống nhất của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), tốt nghiệp Đại học Y Bắc Thái (nay là Đại học Y- Dược thuộc Đại học Thái Nguyên) nhưng ông Nguyễn Ngọc Lợi, quê quán xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao chịu đủ mọi thiệt thòi, oan ức trong cuộc sống do hồ sơ cá nhân 'thất lạc'.
Suốt 32 năm ròng rã (từ khi tốt nghiệp đại học năm 1988), ông lặn lội đến các cơ quan công quyền gửi đơn khiếu nại rồi vô vọng khi nhận kết quả trả lời. Mãi đến đầu năm 2020, ông mới nhận được tin vui khi Thanh tra Sở Y tế Phú Thọ thông báo đã chứng minh được hồ sơ cá nhân của ông vẫn lưu giữ tại Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo về kết quả kiểm tra, rà soát lại vụ việc khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Lợi. Khuất tất sau 32 năm đã được làm sáng tỏ, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của ông đang từng bước được phục hồi. Cùng với đó, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của nhiều tập thể, cá nhân qua các thời kỳ cũng đang được xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật...Thất nghiệp do... “giam giữ” hồ sơ
Sinh năm 1953 ở Tứ xã (huyện Lâm Thao), ông Nguyễn Ngọc Lợi là cựu quân nhân, thuộc diện cán bộ đi B. Sau giải phóng miền Nam, ông được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ cho đi học hoàn thiện văn hóa lớp 10 và Quyết định điều động ông đến học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (sau này chuyển thành Đại học Y Bắc Thái, nay là Đại học Y- Dược, Đại học Thái Nguyên). Nhanh nhẹn, nhiệt tình với tập thể lại chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức từ nhiều nguồn tài liệu, trong 6 năm học đại học, ông liên tục được bầu làm lớp phó phụ trách học tập và 4 năm liền đạt danh hiệu sinh viên giỏi. Tuy nhiên, do bản tính cương trực, không ngại va chạm nên nhiều người không ưa, thậm chí đố kỵ, ganh ghét ông ra mặt. Với lý do hồ sơ nhập trường có sai sót nên năm 1983, nhà trường đã quyết định đuổi ông về địa phương. Ông lập tức làm đơn khiếu nại và Bộ Y tế đã tổ chức thanh tra, yêu cầu Nhà trường sửa sai. Trường đã bảo lưu kết quả tốt nghiệp năm 1983 và bồi thường 5 năm tiền lương (1983-1988) cho ông. Được Văn phòng Chính phủ đồng ý cho chọn nơi công tác, ông đã xin và được các cơ quan, đơn vị là: Ủy ban Hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Campuchia cùng Bệnh viện Bưu điện tiếp nhận. Thế nhưng khi về báo cáo, làm thủ tục thì Trường Đại học Y Bắc Thái lại trả lời là đã chuyển hồ sơ và điều ông về công tác tại Sở Y tế Vĩnh Phú. Đến hỏi thì Sở Y tế Vĩnh Phú trả lời không nhận được hồ sơ cá nhân của ông. Từ cán bộ được cử đi học, tốt nghiệp bác sỹ mà ông Nguyễn Ngọc Lợi bỗng dưng trở thành sinh viên thất nghiệp do thất lạc hồ sơ. Chỉ vì sự việc vô lý đến khó tin này mà suốt 32 năm nay ông cùng gia đình chịu bao vất vả, cực nhọc khi không thể xin việc đúng chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo, không được hưởng chế độ chính sách theo quy định. Ông Lợi chia sẻ: “Năm 1988, tôi chuyển về Hà Nội sinh sống và do không có giấy tờ, tôi đã rất nhiều lần đến nhờ cậy Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng lúc ấy bảo lãnh để đi làm, đi học. Vừa đi học vừa viết báo kiếm nhuận bút để sống, có thời gian tôi đã xin được việc làm trong bệnh viện nhưng do không có hồ sơ cá nhân nên không thể vào biên chế...”. Thậm chí năm 1997, ông cưới vợ nhưng không có ai xác nhận nhân thân nên phải kết hôn “chui”. Sau đó con ông phải đi học trái tuyến. Đến khi cháu thi đại học, ông lại phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để xin bảo lãnh, xác nhận cho con. Mãi đến năm 2014, ông mới được giải quyết chuyển hộ khẩu về Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội...
Rào cản “vô hình”!
Từ khi nhận Quyết định kỷ luật buộc thôi học rồi được Bộ Y tế yêu cầu nhà trường sửa sai, ông Lợi liên tiếp gặp phải tai bay vạ gió, dường như có một bức tường vô hình nhưng rất chặt chẽ ngăn cản ông tiếp cận, được hưởng những quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình. Ông Hoàng Tiến Mạnh- Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế, người trực tiếp được giao nhiệm vụ Tổ trưởng tổ xác minh hồ sơ cá nhân của ông Nguyễn Ngọc Lợi cũng đồng thời là đồng môn, học sau ông Lợi 2 khóa chia sẻ: Qua những thông tin ở trường và nghiên cứu kỹ hồ sơ, tôi nhận thấy việc trù dập ông Lợi mang tính hệ thống từ năm 1981 xuất phát từ mâu thuẫn giữa ông Lợi và một số cán bộ Trường Đại học Y Bắc Thái. Trước hết, họ sử dụng quyền lực quyết không cho ông Lợi làm bác sỹ. Năm 1982, họ đã cố ý sửa điểm 2 môn kiểm tra ở lớp dưới để ông Lợi không có cơ hội học tiếp năm thứ 6 nhưng ông vẫn đạt điểm để học tiếp và được công nhận đủ điểm thi tốt nghiệp. Năm 1983, thi tốt nghiệp được 3/4 môn, trường đình chỉ không cho ông Lợi thi tiếp môn cuối. Mãi đến năm 1988, sau khi Bộ Y tế vào cuộc xác minh, ông mới được thi tiếp môn thứ 4, công nhận tốt nghiệp và bồi thường 5 năm tiền lương. Được công nhận là bác sỹ, có ưu thế là cán bộ được cử đi học nhưng ông Lợi không thể có việc làm, nối dài biên chế vì nhà trường cố tình không thực hiện theo các quy định hiện hành, không trả ông về cơ quan cử đi học là Ủy ban Thống nhất của Chính phủ mà lại phân công ông về Sở Y tế Vĩnh Phú. Không những thế, các cán bộ của Trường còn cố tình thiết lập một biên bản bàn giao vi phạm pháp luật (sẽ phân tích ở phần sau-PV) biến ông Lợi từ một cán bộ thành một sinh viên sau tốt nghiệp đang bị kỷ luật để Sở Y tế Vĩnh Phú không xếp việc làm. Đồng thời khéo léo đẩy “quả bóng” trách nhiệm sang Sở Y tế Vĩnh Phú.
Khi đã đến tuổi nghỉ hưu, ông Lợi quyết định gửi đơn cho Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. Chỉ 4 ngày sau khi nhận được đơn, cố Thủ tướng đã có bút tích đề nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm bấy giờ là Phó Thủ tướng Chính phủ) lưu tâm xem xét, chỉ đạo giải quyết. Từ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự tận tâm, trách nhiệm cùng tư duy nhanh nhạy, sắc bén của các cán bộ Thanh tra Sở Y tế Phú Thọ, toàn bộ “nút thắt” uẩn khúc được che giấu hơn ba thập niên đã được làm sáng tỏ...