Sao ảo ở K-pop

Được xây dựng bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, Eternity là một trong những nhóm nhạc Hàn Quốc mới nhất đẩy lùi ranh giới giữa giải trí thực và ảo.

Các thành viên của nhóm Eternity do AI tạo ra.

Các thành viên của nhóm Eternity do AI tạo ra.

Công ty đồ họa trí tuệ nhân tạo Pulse9 là tác giả tạo ra nhóm nhạc này. Họ tin rằng, sao do máy tính tạo ra có lợi thế đáng kể so với sao là người thật.

Giống hầu hết các nhóm nhạc K-pop nổi tiếng, 11 thành viên của Eternity bao gồm trưởng nhóm, ca sĩ, rapper và vũ công. Đặc biệt, thành viên Zae-in có thể làm được tất cả.

“Zae-in có sự kết hợp những đặc điểm mà hầu hết các nghệ sĩ con người khó có thể thể hiện được” - CEO Park Ji-eun của công ty cho biết - “Cô ấy có thể hát và rap rất hay và có thể sáng tạo như một nhà thiết kế thời trang. Cô ấy còn là một nữ diễn viên bẩm sinh”.

Với sự trợ giúp của công nghệ hoán đổi khuôn mặt theo thời gian thực và giọng nói do AI tạo ra, Zae-in do 10 người khác nhau thủ vai, gồm các diễn viên, ca sĩ và vũ công, những người sẽ thể hiện tài năng của họ vào hình đại diện của cô khi cần.

Ví dụ: Trong một video được đăng trên tài khoản Instagram của Zae-in, cô ấy đã khéo léo lướt trên chiếc ván dài bên cạnh sông Hàn (Seoul). Để có video này, những người tạo ra cô ấy đã quay cảnh một nhân vật đóng thế và đưa mặt Zae-in vào.

Tuy có lợi thế là làm được những điều mà một người không làm được nhưng Zae-in không thể ký tặng người hâm mộ.

Việc hoán đổi khuôn mặt theo thời gian thực và các dạng công nghệ “deepfake” sơ khai đã tồn tại gần một thập kỷ. Vào thời điểm đó, những người có ảnh hưởng ảo như Lil Miquela và Rozy của Hàn Quốc đã thu hút được lượng người theo dõi trực tuyến lớn trong lĩnh vực thời trang và âm nhạc.

Tuy nhiên, những tiến bộ mới nhất trong video và âm thanh do AI mang lại đang giúp các công ty như Pulse9 dễ dàng tạo ra các nhân vật ảo có sức thuyết phục hơn.

K-Pop2: Nhóm nhạc 11 thành viên Eternity được thành lập bởi Công ty Pulse9.

K-Pop2: Nhóm nhạc 11 thành viên Eternity được thành lập bởi Công ty Pulse9.

Tạo ra như thế nào?

Pulse9 bắt đầu quá trình đưa nhóm nhạc Eternity ra công chúng bằng cách thiết kế ngoại hình cho các thành viên của mình. Nhóm của ông Park đã tạo ra 101 khuôn mặt kỹ thuật số độc đáo, lấy cảm hứng từ những người nổi tiếng hiện có của Hàn Quốc, trước khi chia họ thành 4 loại - được cho là “gợi cảm”, “dễ thương”, “thông minh” và “ngây thơ” - và thu hẹp lựa chọn xuống còn 11 thông qua một cuộc thăm dò trực tuyến.

Sử dụng công nghệ deepfake và ghi lại chuyển động, Pulse9 đã sản xuất video âm nhạc đầu tiên của Eternity kèm với ca khúc có tựa đề trớ trêu “I’m Real” năm 2021. Video nhận được phản ứng trái chiều, trong đó có người cho rằng nét mặt các thành viên không tự nhiên.

Tuy nhiên, 5 tháng sau, khi Pulse9 phát hành video âm nhạc tiếp theo của Eternity mang tên “No Filter”, những người theo dõi đã thấy rằng họ gần như không thể phân biệt được với người thật.

Video “DTDTGMGN,” ra mắt tháng 10 năm ngoái, thể hiện bước nhảy vọt khác về chất lượng.

Theo ông Park, cho đến năm ngoái, khuôn mặt là phần ảo duy nhất của người biểu diễn, nhưng ngày nay, công ty có thể tạo ra hình ảnh toàn bộ cơ thể dựa trên công nghệ AI.

SM Entertainment, công ty đứng sau các siêu sao K-pop như Super Junior, Girls’ Generation và Exo, cùng nhiều công ty khác, cũng đang thử nghiệm AI.

Năm 2020, công ty ra mắt Aespa, một nhóm bao gồm 4 nghệ sĩ là người thật và các đối tác ảo của họ. Sau khi ban nhạc ra mắt, người sáng lập SM Lee Soo-man đã tuyên bố tương lai của ngành giải trí là “người nổi tiếng và robot”.

Ngoài ra, công ty quản lý Hybe của nhóm nhạc BTS đã sử dụng AI để điều chỉnh cách phát âm và cao độ của ca sĩ, trước khi phát hành một bài hát bằng 6 thứ tiếng - tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Việt.

Đầu năm nay, Metaverse Entertainment, một công ty được thành lập bởi nhà phát hành trò chơi điện tử Netmarble và công ty mẹ Kakao Entertainment của SM Entertainment, ra mắt nhóm nhạc nữ ảo MAVE.

Video âm nhạc cho đĩa đơn đầu tiên của MAVE là “Pandora” đã đạt được 25 triệu lượt xem trên YouTube kể từ khi phát hành vào tháng 1.

Các thành viên của bộ tứ K-pop MAVE có thể hát, nhảy và nói nhiều ngôn ngữ - tất cả đều có sự trợ giúp của AI.

Các thành viên của bộ tứ K-pop MAVE có thể hát, nhảy và nói nhiều ngôn ngữ - tất cả đều có sự trợ giúp của AI.

Tương lai của K-pop?

Các ngôi sao nhạc pop ảo có thể có lợi thế hơn con người khi tương tác với cộng đồng người hâm mộ. Giám đốc kỹ thuật của Metaverse Entertainment, Kang Sung-ku cho biết những tiến bộ trong chương trình ngôn ngữ AI có thể giúp người hâm mộ có thể “nói chuyện” và thậm chí xây dựng mối quan hệ cá nhân với thần tượng của họ.

“Họ sẽ nhớ những gì chúng ta đã nói ngày hôm qua và có thể tiếp tục nói về những điều từ các cuộc trò chuyện trước đó”, ông nói khi so sánh giữa những sáng tạo AI của công ty ông và trợ lý ảo Siri của iPhone.

Metaverse Entertainment đã thử nghiệm ý tưởng này thông qua các ứng dụng cho phép người dùng tương tác trực tiếp với MAVE. Các thành viên của ban nhạc hiện nói được tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Indonesia, những nơi có nhiều người hâm mộ. Về mặt lý thuyết ,họ có thể nói được bất kỳ số lượng ngôn ngữ nào.

Zae-in của Eternity cho biết 'lợi thế độc nhất' của các ngôi sao ảo là có thể kết hợp làm được những điều mà một người không thể.

Zae-in của Eternity cho biết 'lợi thế độc nhất' của các ngôi sao ảo là có thể kết hợp làm được những điều mà một người không thể.

Theo Wall Street Journal, SM Entertainment đã chi khoảng 3 triệu USD để đưa nhóm nhạc Girls’ Generation ra thị trường năm 2007. Họ phải đầu tư vào các bài học, không gian studio, kiểu dáng và đôi khi thậm chí cả thủ tục thẩm mỹ cho các thành viên ban nhạc tiềm năng. Tuy nhiên, những chi phí này không bắt buộc đối với các tài năng ảo.

Hơn nữa, các ngôi sao nhạc pop do máy tính tạo ra sẽ không bao giờ bị ốm, già đi hay bị lôi kéo vào các tranh chấp hợp đồng hoặc các vụ bê bối.

Tuy vậy, theo ông Kang, có rất ít khả năng các công ty lớn thay thế ban nhạc bằng người thực của họ trong thời gian ngắn tới đây. Ông thừa nhận rằng 1/4 cộng đồng người hâm mộ K-pop đã phản ứng không tốt với các nhóm được tạo bằng AI.

Ông Kang cho biết, người hâm mộ nghĩ rằng vì nghệ sĩ ảo, nghệ sĩ thật có thể mất việc và họ thích người thật hơn.

Theo CNN

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sao-ao-o-k-pop-post658351.html