'Sao chép' công trình kiến trúc nổi tiếng Việt Nam từ .. quần áo cũ

Nữ nghệ sĩ trẻ Võ Trần Châu, người nổi tiếng với những sắp đặt bằng vải thể hiện thân phận các nhân vật lịch sử, về thời thế, sẽ trở lại với triển lãm sắp đặt lớn nhất từ trước tới nay mang tên 'Nhặt lá rừng xưa'.

Vải vóc là vật chất xuyên suốt thực hành nghệ thuật của Võ Trân Châu trong nhiều năm, cũng là chất liệu chính trong triển lãm lần này. Trong hơn hai năm qua, cô đi thu lượm quần áo cũ từ những container vô chủ tại các cầu cảng ở Sài Gòn, cụ thể như cảng Cát Lái.

Choáng ngợp trước sự ngồn ngộn của chúng, cô mường tượng về vòng tròn luẩn quẩn của ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ hai trên thế giới này: sản xuất (ở các nước đang phát triển) – tiêu thụ (ở các nước phát triển) – thải (quay về các nước thứ ba). Đồng thời, nghệ sĩ cũng đặt câu hỏi về nhu cầu phát triển bằng mọi giá của loài người và những hệ quả của chúng: “Mọi thứ biến đổi quá nhanh theo mãnh lực của đồng tiền. Liệu như thế thì còn có thể nhìn thấy linh hồn đô thị? Và các thành phố sẽ đều giống như nhau”.

Nữ nghệ sĩ Võ Trần Châu

Nữ nghệ sĩ Võ Trần Châu

Trong các tác phẩm của mình, Võ Trân Châu tái sử dụng chính những mảnh quần áo cũ mà cô thu mua được, biến chúng thành những bức tranh ghép mang hình ảnh các công trình kiến trúc, những dấu ấn xã hội đã từng hiện diện: nhà máy dệt Nam Định, thương xá Tax, nhà thờ Trà Cổ, trường vẽ Gia Định…

Nghệ sĩ chọn các bức ảnh chụp những nơi này khi chúng còn tồn tại nguyên vẹn, phóng ảnh lên tới khi người xem không nhìn rõ hình hài mà chỉ còn thấy những điểm ảnh. Từ kết quả này, nghệ sĩ tái dựng lại bức ảnh sử dụng vải vóc thu thập được, cắt chúng thành những mảnh nhỏ, sắp xếp chúng theo mã màu sau đó chắp ghép thủ công những mảnh ghép này thành bức tranh hoàn thiện.

Tác phẩm sắp đặt của Võ Trần Châu tại triển lãm "Nhặt lá rừng xưa"

Tác phẩm sắp đặt của Võ Trần Châu tại triển lãm "Nhặt lá rừng xưa"

Tương tự như cách vải vóc được hình thành, kí ức cá nhân và tập thể hiện ra qua quá trình thêu dệt, lồng ghép của người nghệ sĩ. Chuỗi tác phẩm này của Võ Trân Châu là hành trình nhặt nhạnh lại những gì đã mất, dệt lại kí ức một cách chậm rãi, đối nghịch lại với tốc độ biến mất nhanh chóng của các công trình kiến trúc cũ nhường chỗ cho sự phát triển đô thị chóng mặt ngày nay.

Võ Trân Châu (1986, TP. Hồ Chí Minh) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Cô quan tâm tìm hiểu xã hội đương đại thông qua tương tác trong các mối quan hệ giữa con người với nhau và với tập thể.

Các tác phẩm sắp đặt của cô mang nhiều suy tư về các vấn đề của xã hội

Các tác phẩm sắp đặt của cô mang nhiều suy tư về các vấn đề của xã hội

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống về nghề thêu, cô trân trọng ngôn ngữ của chỉ, vài, chọn chúng cùng quần áo cũ, những đồ vật lưu giữ lịch sử cá nhân làm công cụ nghệ thuật cho thực hành của mình.

Nghệ sĩ đã tham gia các sự kiện nghệ thuật ’Suzhou Documents’, Trung Quốc, 2016; ‘EVA International, Ireland’s Biennale’, Ireland, 2016; ‘Đồ/Ảnh/Ký’, Saigon Domaine, TP. Hồ Chí Minh "Nhỏ và mịn", Nhà sàn Studio, Hà Nội, 2015, "March: Art Walk", TP. Hồ Chí Minh, 2015...

Triển lãm "Nhặt lá rừng xưa" diễn ra từ ngày 14-2 đến ngày 10-4 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory, số 15 Nguyễn U Di, TP.HCM.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/sao-chep-cong-trinh-kien-truc-noi-tieng-viet-nam-tu-quan-ao-cu/842132.antd