'Sao con không bằng con người ta'

Câu chuyện dưới đây là có thật của một phụ huynh có con học lớp 6 học ở một trường THCS trên địa bàn TP. Phan Thiết.

New Page 1

Chị kể, 5 năm học cấp I của con, chị chỉ biết so sánh và la rầy con. Cứ mỗi lần tới đón con học ở trường hay lớp học thêm về, câu đầu tiên chị hỏi là hôm nay con làm bài được mấy điểm. Nghe con nói điểm 10 chị không hề khen con một lời, nhưng khi nghe con nói thua điểm bạn trong lớp thì y như rằng dọc đường chở con về nhà chị luôn miệng cằn nhằn, trách móc con đại loại cùng lời nói như: “Cùng cô dạy các bạn giỏi sao con không giỏi; có mỗi việc học mà không xong; uổng tiền học thêm của ba mẹ quá”. Hay như đi họp phụ huynh, thấy nhà trường biểu dương học sinh nào xuất sắc, chị lại về phàn nàn: “Mẹ hãnh diện giùm ba mẹ bạn ấy có đứa con giỏi giang. Còn mẹ thấy xấu hổ mỗi khi đi họp phụ huynh cho con về, ước gì con được như bạn đó. Sao con người ta giỏi giang và tài năng quá. Mẹ thèm có đứa con như vậy”. Bao nhiêu lần thấy con không đáp ứng sự mong mỏi của mình chị lại càng gây áp lực cho con và ra điều kiện con phải như thế này thế kia vào từng học kỳ.

Mới đây, trong bữa cơm chị lại đem việc học của con ra so sánh với một bạn học cùng nhóm học thêm. Nghe chị nói xong, con chị òa khóc: “Vậy mẹ tìm bạn đó nhận làm con đi, mẹ chỉ biết so sánh con với các bạn. Tại sao ba mẹ cũng như ba mẹ bạn con mà ba mẹ bạn con đã làm bác sĩ ở một bệnh viện lớn, có phòng khám riêng, có nhà to, có xe ô tô. Còn nhà mình vẫn nghèo, phải ở trong căn nhà nhỏ cùng ông bà nội và đi xe máy”. Nghe con nói chị giật mình, chị không ngờ con mình đã lớn và suy nghĩ những gì mà bao lâu nay chị vẫn nói với con những câu, những lời nói trách móc, so sánh theo chị là bình thường. Bởi vì chị nghĩ thời buổi này phải học nhiều thì mới theo kịp bạn bè và cũng chỉ vì tương lai của con và mong muốn con học giỏi để ba mẹ được nở mày nở mặt chị mới làm vậy, nhưng không ngờ chính chị khiến con bị áp lực, căng thẳng quá lớn trong học hành, cho nên kết quả năm học lớp 5 vừa qua cháu chỉ đạt loại khá. Rút kinh nghiệm từ cháu đầu, cho nên cháu thứ 2 năm học này vào lớp 3, chị không tỏ ra lo lắng và buồn phiền lo cho con sợ thua thiệt bạn bè nữa. Bây giờ chị chấp nhận khả năng của con và không tạo áp lực bắt con phải như con nhà người ta.

Qua câu chuyện của mình, chị mong muốn rằng các bậc phụ huynh đừng bắt con phải là hình mẫu trong mắt của ba mẹ. Đừng gây sức ép lên con phải làm theo những gì ba mẹ muốn. Đừng quá kỳ vọng vào con để rồi tạo sức ép lên con cái và cũng là tạo sức ép cho chính mình.

M.A

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/sao-con-khong-bang-con-nguoi-ta-131905.html