Tiếp cận đa ngành để hỗ trợ kịp thời

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sức khỏe tâm thần (SKTT) ở lứa tuổi học sinh là một trong vấn đề nổi bật và cấp bách, cần được đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển và thời đại công nghệ thông tin 4.0.

 Đảm bảo yếu tố vừa học, vừa vận động để học sinh có sức khỏe tốt

Đảm bảo yếu tố vừa học, vừa vận động để học sinh có sức khỏe tốt

Những con số đáng lo ngại

UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) vừa đưa ra số liệu trên toàn thế giới, khoảng 80 triệu trẻ em từ 10 - 14 tuổi và khoảng 86 triệu trẻ từ 15 - 19 tuổi có các vấn đề SKTT, tương ứng với khoảng 13% tổng số trẻ vị thành niên. Trong số các vấn đề SKTT, lo âu và trầm cảm là những vấn đề phổ biến nhất, chiếm khoảng hơn 40%. Tại Việt Nam, theo ngành y tế, tỷ lệ hiện mắc các vấn đề về SKTT nói chung đối với trẻ vị thành niên dao động từ 8% - 29%

Tại Thừa Thiên Huế, kết quả nghiên cứu mới đây của nhóm chuyên gia thuộc lĩnh vực y tế công cộng, SKTT và công nghệ thông tin của Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế cho thấy, tỷ lệ học sinh bị mắc các vấn đề về SKTT đang ở mức cao so với mặt bằng chung. Từ khảo sát các đối tượng được nghiên cứu, tỷ lệ bị trầm cảm là 52,7%, lo âu là 65,4% và bị stress là 46,6%; trong đó, rối loạn thách thức chống đối (ODD) chiếm cao nhất (rối loạn hành vi xảy ra một cách không kiểm soát được và thường kéo dài trong một thời gian). Học sinh ở thành phố bị các bệnh lý trên cao hơn so với nông thôn. Điều đáng quan tâm qua nghiên cứu này là, học sinh ở miền núi bị các bệnh lý cao hơn ở cả vùng đồng bằng.

TS.BS. Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Khoa Y tế công cộng, Trưởng Bộ môn Tâm lý Y học – Giáo dục sức khỏe và Tổ chức Y tế, Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế cho biết, có rất nhiều yếu tố tác động dẫn đến các bệnh lý về SKTT ở đối tượng được nghiên cứu; trong đó, những yếu tố lớn nhất dẫn đến trầm cảm, lo âu và stress là do nơi ở; mức độ sử dụng internet nhiều; thiếu sự quan tâm từ bố mẹ; áp lực quá lớn từ học tập; những mối quan hệ với bạn bè không đảm bảo; đặc biệt, học sinh thiếu sự chia sẻ với gia đình hoặc thầy cô khi gặp khó khăn và nhu cầu được hỗ trợ tư vấn tâm lý. Yếu tố này kéo dài, chậm được phát hiện và chưa có nhiều giải pháp hỗ trợ cho các em.

Thêm giải pháp

Thực tế cho thấy, những bệnh lý về SKTT ở lứa tuổi học sinh ngày càng tăng và được phát hiện muộn. Chủ yếu những trường hợp bị nặng mới được can thiệp, lúc này việc điều trị rất khó khăn. Trong quá trình triển khai các giải pháp, còn mang tính đơn lẻ từng đơn vị, chủ yếu là gia đình và cơ sở y tế điều trị.

Theo TS.BS. Trần Thị Minh Hằng, Bộ môn Tâm thần, Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế, các vấn đề về SKTT ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực cuộc sống, gây “tàn phế” nặng nề nếu không được phát hiện, can thiệp kịp thời. Đối với SKTT, chỉ điều trị bằng các phương pháp sinh học là không đầy đủ, mà phải hỗ trợ tâm lý, xã hội, tái hòa nhập cộng đồng, tránh kỳ thị là rất quan trọng.

“Vì vậy, để có thể hạn chế bệnh lý SKTT và giúp học sinh có một môi trường sống tốt, thì cần có sự chung tay, tham gia của nhiều bên liên quan, mà trong chuyên môn được gọi là “tiếp cận đa ngành trong chăm sóc SKTT”. Tiếp cận đa ngành có tính toàn diện, tập trung vào vấn đề tổng thể, không chỉ trong y tế mà còn nhiều ngành khác. Trong tiếp cận, có sự quan sát của các chuyên gia nhiều lĩnh vực khác nhau, để tạo ra được “bức tranh” tổng thể về vấn đề đang được đề cập trong SKTT. Có sự kết nối của nhiều ngành liên quan vào trong một hoạt động khi điều trị bệnh lý SKTT…”, TS.BS. Trần Thị Minh Hằng cho biết.

Để có sự phối hợp tốt trong phát hiện và chăm sóc SKTT cho học sinh theo hướng đa ngành, bên cạnh gia đình của các học sinh, cần xây dựng mạng lưới nhân viên y tế trường học đáp ứng công tác chăm sóc SKTT, không chỉ là hỗ trợ về y tế mà quan trọng là tiếp cận sớm, hỗ trợ tâm lý kịp thời và phù hợp cho học sinh. Xây dựng quy chế phối hợp giữa hai ngành giáo dục và y tế trong thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc SKTT cho học sinh. Tăng cường tập huấn, đào tạo lại cho nhân viên y tế trường học. Có cơ chế phối hợp đa ngành giữa nhà trường, giáo viên, y tế trường học với gia đình và y tế cơ sở…

Phối hợp đa ngành dựa vào cộng đồng cũng là một cách tiếp cận cần được triển khai trong thời gian đến. Yếu tố cộng đồng rất quan trọng để có thể giúp học sinh hạn chế mắc phải các bệnh lý, đặc biệt là yếu tố tái hòa nhập sau khi được điều trị.

Ngày 2/10/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1660/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2025: 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về SKTT cho học sinh; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh tật học đường và SKTT; 50% học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về SKTT, tâm, sinh lý lứa tuổi; 80% trường học ở khu vực thành thị và 60% trường học ở khu vực nông thôn ứng dụng, triển khai hiệu quả phần mềm quản lý, theo dõi và thống kê, đánh giá về sức khỏe học sinh.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tiep-can-da-nganh-de-ho-tro-kip-thoi-142818.html