Sao hạng A Trung Quốc hết thời nhận cát-xê hàng chục triệu USD
Các ngôi sao Trung Quốc từng hưởng mức thù lao lên tới hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, họ phải giảm mạnh cát-xê sau chính sách của cơ quan quản lý văn hóa.
Tháng 8, mạng xã hội xứ Trung xôn xao trước tiết lộ của một nam MC về thù lao cao ngất ngưởng của một sao nữ hạng A. Theo đó, chỉ cần xuất hiện vài phút, họ dễ dàng bỏ túi hàng triệu USD. Theo People’s Daily, cát-xê của minh tinh hàng đầu Trung Quốc thậm chí vượt xa các ngôi sao ở Hàn Quốc và cả Hollywood.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thu nhập của nhiều ngôi sao làng giải trí Hoa ngữ gặp khó khăn vì chính sách "bình ổn thù lao" do Cục Điện ảnh Trung Quốc ban hành. Mức thù lao hàng chục triệu USD biến mất khỏi showbiz.
Thù lao "trên trời" gây tranh cãi
Theo thống kê của Sohu, ở lĩnh vực phim ảnh, Hoắc Kiến Hoa từng bỏ túi hơn 10 triệu USD, còn Châu Tấn nhận được số tiền gần 15 triệu USD trong Hậu cung Như Ý truyện. Những tiểu hoa đán nổi tiếng như Dương Mịch, Angelababy cũng được trả thù lao hậu hĩnh lần lượt là 12 triệu USD và hơn 11 triệu USD cho mỗi tác phẩm cả hai tham gia.
Trong khi đó, nếu muốn mời một trong các tứ đại nam thần là Ngô Diệc Phàm, Lộc Hàm, Lý Dịch Phong hay Dương Dương đóng chính, các nhà sản xuất phải bỏ ra một con số không nhỏ, dao động từ 14 triệu - 18 triệu USD. Những tên tuổi triển vọng của làng điện ảnh Hoa ngữ cũng nhận được mức thù lao ngất ngưởng. Năm 2017, Châu Đông Vũ nhận được 16 triệu USD khi đóng Mạc hậu chi vương.
So với cách đây hơn 10 năm, thời Huỳnh Hiểu Minh tham gia Thần điêu đại hiệp chỉ với mức thù lao khoảng 1.200 USD/ tập, tương đương 50.000 USD cho 41 tập phim, thì con số ấy đã tăng lên gấp nhiều lần.
Ngoài lĩnh vực diễn xuất, sự phát triển sôi động của mảng show truyền hình nhiều năm qua ở Trung Quốc cũng là nguồn thu nhập béo bở của các minh tinh Hoa ngữ. Theo thống kê của Nhật báo Bắc Kinh, cát-xê thu được từ các game show không kém cạnh phim truyền hình hay điện ảnh.
Nam diễn viên Lưu Diệp từng được trả hơn 6 triệu NDT/ngày (884 nghìn USD) trong show Bố ơi! Mình đi đâu thế, Triệu Vy - Thư Kỳ tham gia Nhà hàng Trung Hoa với mức cát-xê 7 triệu USD/ mùa.
Trong khi đó, với danh hiệu nữ hoàng showbiz, cát-xê của Phạm Băng Băng được tính theo từng phút. Khi tham gia Liên minh những người thách thức, cô được trả 8.500 USD/phút, tương đương 765.000 USD/tập kéo dài 90 phút.
Tuy nhiên, mức cát-xê trên trời của nhiều ngôi sao Hoa ngữ lại trở thành cái gai trong mắt của nhiều tên tuổi ngành công nghiệp làm phim.
"Toàn bộ ngành điện ảnh đang làm công cho các diễn viên", Tô Hiểu - Giám đốc Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình SMG thở dài, nói.
Giám đốc Tô cho hay, thù lao của các diễn viên nổi tiếng Hollywood chiếm khoảng 30% tổng đầu tư. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhà sản xuất chỉ trả một phần thù lao, số thù lao còn lại phụ thuộc vào tỉ lệ phân chia và tình hình phát sóng của bộ phim.
"Những năm gần đây, thù lao của diễn viên Trung Quốc lên đến 50% - 80% tổng chi phí sản xuất, trong khi không cần biết chất lượng tác phẩm ra sao. Điều này quá phi logic", Giám đốc Tô gay gắt nói.
Theo thống kế của Tân Hoa Xã, những ngôi sao vừa có danh vừa có lực trong giới như Châu Tinh Trì, Thành Long, Châu Nhuận Phát cũng chỉ nhận mức lương từ 11 triệu USD đổ xuống. Nhưng thế hệ đi sau lại dễ dàng có được khoản tiền hậu hĩnh mà đôi lúc không xứng đáng với những gì đã thể hiện.
Năm 2016, Phong thần bảng tiêu tốn 500 triệu NDT (73,6 triệu USD) để "mời chào" những tên tuổi như Phạm Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh, Angelababy. Cuối cùng, nhà làm phim phải gánh lỗ 283 triệu NDT (41,6 triệu USD) vì doanh thu không như mong đợi.
Năm 2018, Baby của Dương Mịch kết thúc ảm đạm với doanh thu phòng vé thấp kỷ lục 25 triệu NDT (3,7 triệu USD). Đến 2019, bom tấn Pháo đài Thượng Hải do Lộc Hàm đóng chính bị chỉ trích "khép lại cánh cửa cho khoa học viễn tưởng của điện ảnh Trung Quốc mà Lưu lạc địa cầu vừa mở ra".
Không chỉ vậy, dù nhận mức cát-xê cao ngất ngưởng, diễn xuất của những cái tên như Huỳnh Hiểu Minh, Angelababy, Lộc Hàm chưa từng được đánh giá cao.
"Thù lao càng cao càng tỷ lệ nghịch với chất lượng. Mức cát-xê trên trời khiến giá trị của nhiều thế hệ nghệ sĩ gạo cội và các tiêu chuẩn đạo đức, xã hội bị bóp méo. Tất cả vô hình khiến showbiz trở nên lố bịch trong mắt công chúng", Nhật báo Bắc Kinh nhận định.
Giảm cát-xê để bỏ tư tưởng kiếm tiền bằng tên tuổi
"Xu hướng 'vung tiền' chạy theo số đông của nhà sản xuất đang tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ hét giá cát-xê. Điều này ảnh nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình. Không chỉ vậy, nó còn gián tiếp cổ xúy lối sống vật chất, 'dẫn đường chỉ lối' giới trẻ theo đuổi thần tượng một cách mù quáng và làm sai lệch các chuẩn mực xã hội. Cần có biện pháp chấn chỉnh ngay lập tức", Cục Điện ảnh Trung Quốc khẳng định.
Sau chính sách "bình ổn cát-xê" của Cục Điện ảnh năm 2018, 3 nền tảng xem trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc iQIYI, Youku, Tencent cũng bắt tay với 6 công ty điện ảnh, truyền hình tiếng tăm để đẩy lùi nạn "hét cát-xê".
9 công ty thống nhất thực hiện chính sách Cục Điện ảnh ban hành. Thù lao của các diễn viên không được vượt quá 40% tổng chi phí sản xuất, trong đó thù lao diễn viên chính không được vượt quá 70% tổng thù lao.
"Hiện, thù lao của diễn viên cho một bộ phim truyền hình đã giảm dưới mức 50 triệu NDT (7,36 triệu USD). Trong khi trước đó, nhà làm phim phải trả hơn 150 triệu NDT (22,08 triệu USD) để 'săn đón' một ngôi sao hạng A", Cung Vũ, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của iQIYI cho hay.
Giám chế Tạ Hiểu Hổ cũng tiết lộ hầu hết thù lao nghệ sĩ đều đã giảm từ 30% đến 50%, ngưỡng giới hạn là 9 triệu USD. Nhiều ngôi sao hạng A dù muốn hay không cũng phải nhận thù lao ở mức trung bình.
Cụ thể, khi vào vai chính trong An Gia phát sóng đầu năm nay, Tôn Lệ nhận được 16,5 triệu NDT (khoảng 2,4 triệu USD) - con số chỉ bằng khoảng 20% so với trước. Ở thời kỳ đỉnh cao, nữ diễn viên từng được trả 80 triệu NDT (11 triệu USD) khi xuất hiện trong Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn, Mị Nguyệt Truyện.
Không riêng Tôn Lệ, nhiều diễn viên khác cũng gặp tình trạng tương tự. Triệu Hựu Đình chỉ nhận được khoảng 30 triệu NDT (4,3 triệu USD) cho vai diễn trong Thành phố lý tưởng, dù trước đó, khi xuất hiện trong Tam sinh tam thế thập lý đào hoa, anh từng nhận 100 triệu NDT (14 triệu USD).
Do chấp hành lệnh "giới hạn cát-xê", thậm chí thù lao của Dương Mịch giảm tới 80%. Đóng vai Hải Thị trong Hộc Châu phu nhân, Dương Mịch chỉ nhận được 27 triệu NDT (gần 3,9 triệu USD). Trong khi trước đó, thù lao cho một tác phẩm truyền hình của nữ diễn viên lên tới hơn 100 triệu NDT (hơn 14 triệu USD).
Tương tự, nam diễn viên Trần Vỹ Đình cũng đóng trong Hộc Châu phu nhân chỉ nhận được không quá 20 triệu NDT (gần 2,9 triệu USD) sau khi đã trừ thuế, giảm khoảng 70% so với trước. Nữ diễn Angelababy giảm 90% mức lương xuống còn 10 triệu NDT (1,4 triệu USD), nhưng không nhận được nhiều kịch bản.
Một đạo diễn có tiếng trong ngành cho biết bên cạnh việc đảm bảo chi phí sản xuất, giảm tỷ lệ phim rác, mục đích của hạn chế cát-xê là sàng lọc những diễn viên thực lực.
"Giảm cát-xê là lời cảnh báo cho những diễn viên chỉ chăm chút cho sự nổi tiếng, mức ảnh hưởng của bản thân mà không trau dồi về diễn xuất. Thù lao cao cần đi đôi với chất lượng. Nền điện ảnh sẽ không dung túng và lãng phí tài nguyên để đầu tư vào những điều không xứng đáng", vị đạo diễn nói.
Trong Hội nghị "Báo cáo thu nhập quý đầu năm 2020" hồi tháng 5, Giám đốc điều hành của iQIYI Cung Vũ khẳng định việc hạ giá cát-xê là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình trong nước. Đồng thời, anh cho biết thù lao của các diễn viên sẽ tiếp tục giảm trong 2 năm tiếp theo.