Sào huyệt của băng cướp biển 'Cánh buồm đen' thành điểm du lịch
Từ tên gọi, cùng rất nhiều câu chuyện giai thoại 400 năm của vùng đất đảo từng là sào huyệt của cướp biển, đã khiến nhiều du khách tìm đến đây để thỏa trí tò mò. Xa xưa, quần đảo Hải Tặc là nỗi khiếp sợ của nhiều người vì nạn cướp biển. Ngày nay, nơi đây là điểm du lịch mà ai cũng muốn đến một lần.
Quần đảo Hải Tặc thuộc xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, nằm cách đất liền gần 28 km. Tuy không nổi tiếng như Phú Quốc và Nam Du, đảo Hải Tặc được du khách yêu thích bởi khung cảnh hoang sơ và những trải nghiệm về cuộc sống làng chài. Để tới đảo, du khách di chuyển bằng tàu cao tốc từ thành phố Hà Tiên.
Theo nhiều tài liệu lịch sử lẫn chuyện truyền miệng của người dân địa phương, nơi đây xưa kia là căn cứ của nhiều nhóm cướp biển. Hải tặc chọn quần đảo này làm nơi ẩn náu, chờ các thuyền buôn qua lại để tấn công.
Đến thế kỷ XVIII, các nhóm cướp vẫn hoành hành trên vùng biển rộng lớn quanh quần đảo Hải Tặc, thậm chí còn tràn vào đất liền. Về sau, phần vì nhiều thành viên sám hối, cộng với tuổi cao, sức yếu… dần dần các nhóm cướp biển khét tiếng tan rã…
Theo lời kể của người lớn tuổi ở Hòn Tre Lớn, thuộc quần đảo Hải Tặc, họ từng nghe rất nhiều người kể lại câu chuyện của nhóm cướp biển với tên gọi “Cánh buồm đen” của thời kỳ cận đại, sau năm 1884.
Thời điểm đó, cướp biển không còn đủ năng lực để cướp những tàu buôn nước ngoài, hoặc những tàu buôn lớn. Băng cướp “Cánh buồm đen” dùng thuyền buồm gỗ thô sơ để cướp hàng của những tàu buôn nhỏ đi ngang qua khu vực quần đảo Hải Tặc.
Hòn Tre Lớn, thuộc quần đảo Hải Tặc, nơi từng được cho là sào huyệt của băng cướp biển "Cánh buồm đen".
Ngày nay, quần đảo là điểm du lịch trứ danh của vùng biển Hà Tiên. Nơi đây sở hữu nhiều điều hấp dẫn du khách, trước hết là cảnh trí còn lưu giữ được nhiều nét hoang sơ, trong lành… Đặc biệt, quần đảo có nhiều bãi biển cát trắng chạy dọc dưới chân cánh rừng xanh nguyên sinh… lí tưởng cho những ai thích tắm biển và khám phá.
Do điều kiện tự nhiên, biển quanh quần đảo có nhiều loại hải sản rất ngon, nhất là loài ghẹ. Ghẹ là nguồn nguyên liệu chính tạo nên thương hiệu ghẹ Hà Tiên vang danh giới ẩm thực. Ghẹ thịt ngọt, gạch mịn… sẽ bù đắp năng lượng cho du khách sau những giờ vui đùa với sóng biển.
Người dân sống trên quần đảo chủ yếu làm các ngành nghề gắn với khai thác biển. Theo xu hướng phát triển, họ chuyển dần sang dịch vụ, làm du lịch cộng đồng để phục vụ du khách.
Đến đây, du khách sẽ được tự tay chạm vào các loại thực vật đặc trưng của vùng biển và tự tay mò bắt các loại hải sản từ tự nhiên.
Cũng theo lời kể của người dân nơi đây, ngư dân trên quần đảo Hải Tặc phát hiện 2 người ngoại quốc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam trái phép, đã trình báo cho cơ quan chức năng địa phương bắt giữ. Hai người này đến quần đảo Hải Tặc bằng cano, mang theo bộ đàm, máy ảnh, máy dò kim loại, ống nhòm, hải đồ và những tấm bản đồ cổ vẽ lại địa hình quần đảo Hải Tặc.
Dù không có thông tin xác thực từ ngành chức năng thời điểm đó, nhưng những người dân địa phương đã truyền tai nhau rằng, 2 người ngoại quốc đến quần đảo của họ để tìm kho báu.
Điều này làm dấy lên câu chuyện thực hư về việc có hay không một kho báu đang tồn tại ở quần đảo Hải Tặc, nơi từng được xem là sào huyệt của các băng nhóm cướp biển năm xưa. Cũng có người kể rằng, nhiều năm trước, nhóm ngư dân làm nghề lặn bắt hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hải Tặc có nhặt được nhiều đồng tiền cổ. Thêm một lần nữa, câu chuyện nghi vấn về việc quần đảo Hải Tặc là nơi cất giấu nhiều tiền cổ, vàng bạc, châu báu của cướp biển tiếp tục được người dân, du khách bàn tán sôi nổi.
Tuy nhiên, có một thực tế là câu chuyện kho báu có hay không có ở quần đảo này đến giờ vẫn chưa từng một lần được kiểm chứng. Những câu chuyện truyền tai nhau trong dân gian, về việc không ít lần những ngư dân bản địa hiếu kỳ, bỏ nhiều công sức, thời gian đi tìm kiếm dấu vết “kho báu” nhưng đều trở về với hai bàn tay trắng.
Đến nay, quần đảo Hải Tặc vẫn là điểm đến ẩn chứa những câu chuyện kỳ bí, gợi sự tò mò của nhiều người.
Như Ngọc