Sao không nhớ không thương cho được

Vẫn không muốn để những giọt thoáng buồn thấm vào con chữ khi viết về Tết đoàn viên, thế nhưng cứ Tết về là mênh mang vấn vương về cái thuở ai cũng đi qua trong miền sống của mình.

Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Ai rời quê ra phố, ai bám phố mưu sinh rồi neo đậu lại đó thì mỗi độ Tết xuân, hồn lại cứ hướng về những miền tâm tưởng xa vời. Đó chính là nỗi nhớ quê, nhớ những người yêu thương của mình đã mất hay còn ở đó. Nó chầm chậm ánh lại trong mấy ngày chờ đợi và… an nhiên đi qua Tết.

Rồi cũng đến Giao thừa ở phố, chờ đợi sang canh thắp những nén nhang trầm thanh tịnh, nhâm nhi chén trà và khi lũ trẻ đi ngủ thì những người lớn tha phương lại nghĩ, lại nhớ về những cái Tết đã qua. Hẳn sẽ có nhiều con tim thắt lại khi nhớ Tết quê, Tết còn cha còn mẹ. Hình như người lớn mồ côi thì Tết càng hoang hoải một nỗi nhớ thương không thể nào đong đếm đến những đấng sinh thành, nhớ mà không dám khóc vì để Tết còn trọn vẹn trong nụ cười con trẻ.

Người sống ở chung cư, có một điểm chung ngày Tết, dân tình rục rịch về quê. Số ở lại thì quê gần như chẳng có ai để về, hay bố mẹ hóa mây trời nên về quê trống trải như ở phố mấy ngày Tết tha phương.

Ai ở những xứ mà Tết còn đậm đà truyền thống, Tết đầy ắp cổ kính gia phong, đầy những lễ nghi tâm linh như giao hòa âm dương hai cõi thì kỷ niệm lại dâng đầy và mãnh liệt vô cùng. Đón Tết ở phố mà thèm lắm được về để hòa mình vào quê, vào cõi linh thiêng trong thời khắc Giao thừa quây quần bên cha mẹ thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên rồi hóa vàng trong lất phất bụi mưa xuân.

Như ở Huế, ai một lần đón Giao thừa ở đó, chẳng cần phải là người con xứ này nhưng nếu một lần “ăn Tết” Huế thì sẽ mãi nhớ đến nơi này như một hồi ức chẳng thể nào quên.

Tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh như lẫn vào khói vàng mã lan đi trong mờ mịt nhang khói bời bời là cảnh tượng kỳ lạ nếu ra đường, ra phố để đón Giao thừa ở đất thần kinh này. Như con đường Điện Biên Phủ nối từ đàn tế Nam Giao về trung tâm thành phố, Giao thừa đi qua đó thì như đi về một miền tâm linh bất thực. Chỉ thấy mình xuyên qua khói bụi như đang ở trong một miền giao thoa âm dương hư ảo. Người xứ khác gặp cảnh này đôi lúc còn sợ, nhất là trong vài cơn gió hất lên mấy tờ vàng mã chưa cháy hết bay lên trong không gian khói nhang nuốt cả đèn đường. Còn với người xứ Huế đây là cảnh thường ngày, nó quen đến độ nếu không có nó thì mới thành điều lạ vào đêm Giao thừa.

Vậy đó, sao mà không nhớ, không thương cho được? Và Huế chỉ là một miền thương của tôi như miền thương của bất kỳ ai có quê hương khi phải xa nó để neo lại ở một vùng quê khác.

Tết về luôn là Tết nhớ, Tết thương, mà nhớ thương ấy nó phải dày thêm ở những người xa xứ. Vẫn cười đấy, vui đấy, an nhiên đấy nhưng sâu thẳm ở một góc tâm hồn là những hoài niệm để sau phút Giao thừa nỗi nhớ nó lại bùng lên bời bời… Để rồi ước ao mình được phân làm hai nửa, nửa ở lại với thực tại phố phường ngụ cư, nửa muốn bay về với miền tâm tưởng đã ở sâu trong đáy hồn xa xứ…

Tùy bút của TRẦN NGỌC HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sao-khong-nho-khong-thuong-cho-duoc-post735059.html