Sao lại bắt học sinh nộp tiền phạt khi mắc lỗi?

Con tôi đang học lớp 7 tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Vì không có đủ 50 ngàn đồng để đóng phạt cho lớp nên con đã 'cầu cứu' ba mẹ trong nước mắt, khiến vợ chồng tôi không khỏi lo lắng. Số tiền phạt không lớn, nhưng hình thức xử lý bắt học sinh nộp tiền khi mắc lỗi mà lớp con tôi đang áp dụng thực sự không ổn.

Con tôi kể, cô giáo chủ nhiệm lớp quy định bạn nào nói chuyện trong lớp sẽ bị phạt 5 ngàn đồng/lần. Các bạn tổ trưởng được giao trách nhiệm quan sát và ghi sổ những bạn phạm lỗi, số tiền phạt sẽ thu vào cuối tuần, bỏ vào ống heo của lớp và dùng để tổ chức khen thưởng, liên hoan vào dịp cuối năm...

Việc nhiều học sinh phải nộp từ 10-20 ngàn đồng/tuần do mắc lỗi diễn ra thường xuyên. Bạn nào không có tiền nộp sẽ bị tổ trưởng cho vào danh sách nợ. Để có tiền đóng phạt, có cháu đã phải nhịn ăn sáng, giảm các khoản tiêu vặt… hoặc phải “cầu cứu” cha mẹ như con tôi.

Tôi không đồng ý việc bắt học sinh phải nộp tiền khi mắc lỗi. Có rất nhiều cách để phạt học sinh nhưng quan trọng nhất là chỉ rõ sai phạm và cách sửa chữa chứ không phải dùng tiền để chuộc lỗi.

Mặt khác, khi phân công tổ trưởng, lớp trưởng theo dõi, ghi nhận vi phạm của các bạn, báo cáo để phạt vô tình làm xấu đi quan hệ thân thiện giữa các học sinh. Khi được trao “quyền lực” đã nảy sinh trường hợp cậy quyền bắt nạt, sai vặt bạn hoặc chấm điểm rèn luyện không công bằng để giảm tội cho bạn thân, xử nặng bạn mình ghét… Thay vì nhắc nhở, giúp bạn điều chỉnh hành vi, sửa chữa sai phạm thì các em lai quay sang theo dõi, trông chờ bạn vi phạm để bắt nộp phạt.

Theo tôi, kỷ luật phải bắt đầu từ nhắc nhở, nêu gương..., phạt tiền không phải là cách giải quyết
tốt nhất.

Lê Vy (thành phố Biên Hòa)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202410/sao-lai-bat-hoc-sinh-nop-tien-phat-khi-mac-loi-5e37960/