Sao suy nghĩ của bố mẹ luôn khác con?
Nhiều khi tôi thấy, làm cha mẹ khó đấy, chẳng phải chuyện chơi đâu. Làm sao để vừa có thể nghiêm khắc với con lại vừa có thể cởi mở với con như một người bạn?
Chiều qua, trong khi chờ đón con ở một lớp học hè, có chị phụ huynh có con học cùng lớp với tôi hỏi chuyện. Ban đầu cũng chỉ là chuyện học hành của lũ trẻ, đến những thất thường của lứa tuổi dậy thì. Rồi chị hỏi tôi 'Con gái em có hay trò chuyện tâm sự với em không? Chị rất muốn trở thành một người bạn với con mà nghe chừng khó quá'.
Chị kể, con gái chị rất dễ thương, là một cô gái nhẹ nhàng, tình cảm. Anh chị có mỗi một đứa con gái, bao nhiêu yêu thương, kì vọng đều đặt vào đó cả. Con gái chị ngoan, học giỏi, chưa từng làm chị thất vọng điều gì.
Cho đến một ngày, lúc con chị vắng nhà, chị vào dọn phòng giúp con, vô tình thấy một bức thư kẹp trong tập vở. Bức thư của một cậu trai nào đó cùng lớp viết, lời lẽ bày tỏ tình cảm khá vụng về. Chị lục tìm trong ngăn bàn con, đọc được quyển nhật ký. Con gái chị đã biết rung động rồi. Nó mới chỉ mười ba tuổi. Việc của nó bây giờ đâu phải là nhăng nhít yêu đương? Chị hoảng hốt và lo lắng thật sự.
Khi chị đặt cuốn nhật ký và bức thư trước mặt con gái, cô bé ban đầu bối rối, sau rồi nó khóc:
- Sao mẹ lại xem nhật ký của con, mẹ không được phép.
- Mẹ được phép làm bất cứ việc gì liên quan đến con. Và việc con đang làm khiến mẹ vô cùng thất vọng. Tuổi của con là tuổi ăn tuổi học, con còn cả một cuộc đời rất dài để yêu đương, không phải bây giờ. Con đốt bỏ những thứ linh tinh này đi, hay mẹ sẽ làm?
Cô bé đã đốt bỏ cuốn nhật ký trước mặt mẹ, đốt bỏ cả những cảm xúc trong sáng đầu tiên của mình. Và từ đó, nó như trở thành một đứa trẻ khác, ít nói và lặng lẽ hơn. Điều đáng nói, nó chẳng chia sẻ với chị bất kì điều gì nữa.
Nhiều khi thấy con buồn, chị cũng lân la muốn con kể mình nghe. Nhưng nó lảng tránh chị khiến chị không nắm bắt được tâm tư con mình nữa. Chị nhớ khi chưa xảy ra chuyện, nó luôn tíu tít kể chị nghe chuyện trường lớp bạn bè, giờ thì, nó như giăng ra một bức tường vô hình khiến chị không gần lại được.
Chị nói 'con cái không bao giờ hiểu được nỗi lòng cha mẹ. Chị lo cho nó, sao nó không hiểu điều đó chứ?'. Một câu hỏi, cũng có thể là một câu trả lời. Chúng ta là cha mẹ, nhưng có thật sự đã hiểu hết con mình chưa?
Chúng ta, ai cũng đã từng trải qua thời kì mới lớn, cũng hiểu được những cảm xúc rung động đầu tiên trong sáng và đẹp đẽ đến nhường nào. Những thứ đó sẽ là kỉ niệm tuyệt vời khi thời gian qua đi mỗi người nhìn lại. Cha mẹ có thể tâm lý một chút, thủ thỉ tỉ tê cho con hiểu nên và không nên những gì chứ không thể chỉ vì không muốn là ngang nhiên dập tắt.
Tôi cũng có một cô con gái, mới bảy tuổi thôi. Con gái tôi cũng ngoan lắm, rất biết chiều lòng bố mẹ. Con bé thích để tóc dài nhưng chồng tôi thì chỉ muốn cắt tóc ngắn. Anh bảo, tóc ngắn cho gọn gàng khỏe khoắn. Tôi thì nghĩ, cắt tóc ngắn cho khỏi mất thời gian tết tóc, buộc tóc cho con, đỡ lôi thôi luộm thuộm. Vậy nên cứ tóc dài quá vai một chút là tôi đưa con đi cắt tóc, lần nào cũng phải dỗ dành nó vì nó không chịu và lần nào tôi cũng thắng.
Một lần, trên đường chở con đi cắt tóc về, con hỏi tôi:
- Sao suy nghĩ của bố mẹ lúc nào cũng khác con thế?
- Khác như thế nào?
- Mọi hôm con bảo thích học vẽ, nhưng bố lại bảo con gái thì nên học múa. Bố mẹ cứ thích tóc ngắn, con chỉ thích tóc dài thôi Con thích tóc dài như bạn Bông, bạn Len. Con thích tết tóc như công chúa Elsa ấy, tóc ngắn thì chẳng tết được.
Ngay lúc đó, tôi nghĩ có lẽ mình đã sai rồi. Con chỉ mới bảy tuổi, nhưng đã định hình được những gì mình muốn. Chỉ là muốn có một mái tóc dài giống như các bạn, để tết tóc giống nàng công chúa con yêu thích cũng không được sao? Bố mẹ chỉ làm theo ý muốn của bố mẹ, chẳng quan tâm con muốn cái gì, kể cả chuyện nhỏ như mái tóc của con, như con thích học vẽ nhưng bố lại nhất quyết đăng ký cho con học múa vào dịp hè. Và sau này là làm nghề gì, lúc nào thì nên yêu đương… chắc cũng giành phần định đoạt.
Tôi bảo con: Từ nay mẹ cho con nuôi tóc dài để tết tóc như công chúa Elsa nhé. Mắt con bé lung linh vui, bắt mẹ hứa. Ngón tay con bé xíu ngoắc vào ngón tay mẹ, trông thương biết bao nhiêu.
Nhiều khi tôi thấy, làm cha mẹ khó đấy, chẳng phải chuyện chơi đâu. Làm sao để vừa có thể nghiêm khắc với con lại vừa có thể cởi mở với con như một người bạn? Làm sao để kiểm soát con mà con vẫn cảm thấy thoải mái tự do. Làm sao để cho con nghe theo mình nhưng vẫn cảm thấy được tôn trọng? Khó, rất khó.
Tôi nhớ, ngày xưa, khi tầm 6, 7 tuổi như con thì tôi đâu đã biết gì. Học lớp 6 rồi bị bạn bè ghép đôi với cậu bạn nào đó còn khóc nức nở như chuyện gì khủng khiếp lắm. Nhờ sự tiến bộ của thời đại, trẻ bây giờ khác nhiều rồi, chúng nhanh nhạy và hiểu biết hơn nên đòi hỏi bố mẹ cũng phải tinh tế và cẩn thận hơn trong cách dạy trẻ.
Mới đây, cô con gái bé bỏng của tôi hỏi bố mẹ trong bữa ăn “Lớn lên con làm họa sĩ được không bố?”. Chồng tôi chau mày “Làm họa sĩ làm gì hả con. Con phải học thật giỏi, làm bác sĩ, làm doanh nhân chứ”. Con nghe xong liền phụng phịu “Nhưng con thích vẽ cơ”. Tôi thầm nghĩ, thay vì áp đặt cho con gái, chi bằng mình định hướng lại suy nghĩ của mình trước đã. Có những thứ chúng ta biết là không nên nhưng vẫn làm, là vì chúng ta nghĩ mình làm cha mẹ mình có quyền.
Cha mẹ nào cũng thương yêu con cái hơn mọi thứ trên đời, coi con là báu vật, là lẽ sống. Cha mẹ có thể làm mọi thứ vì con, hi sinh tất cả vì con, nhưng trớ trêu thay, trong mắt những đứa trẻ, cha mẹ không phải lúc nào cũng là những người tuyệt vời. Cũng là sự quan tâm yêu thương ấy thôi, nhưng vì chúng ta đã chọn nhầm cách thể hiện khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.
Tôi tự nghĩ: Mình sống cuộc đời của mình được rồi, phải để cho con sống cuộc đời của con chứ.