Sao Ta (FMC): Doanh thu quý I tăng gần 45%, có 780 tỷ tiền nhàn rỗi

Chọn hướng đi là các sản phẩm giá trị gia tăng và chế biến sâu, doanh thu quý I của CTTP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) ghi nhận mức tăng đáng kể so với cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, doanh thu thuần của Sao Ta trong kỳ đạt gần 1.461 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó thủy sản là lĩnh vực chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu với 1.425 tỷ đồng, tương đương 97%. Giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn mức tăng của doanh thu thuần nên biên lãi gộp thu hẹp từ 7,9% cùng kỳ về 6,6% quý này.

Trừ các chi phí, Sao Ta báo lãi sau thuế quý I 57 tỷ, tăng 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 50 tỷ, tăng 14%.

Năm 2024, Sao Ta đặt kế hoạch doanh số tiêu thụ chung đạt 210 triệu USD, tăng 5% so với kết quả thực hiện năm 2023; lãi trước thuế hợp nhất 320 tỷ đồng, tăng 5,2%. Như vậy kết thúc quý đầu tiên, công ty đã thực hiện được 18% mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm.

Về tình hình tài chính, tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 3.503 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Hàng tồn kho còn 941,4 tỷ đồng, giảm 6%.

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 3, các khoản tiền nhàn rỗi của Sao Ta ghi nhận đạt 780 tỷ đồng, tăng tới 42%. Trong đó 641 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và 139 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Khoản đầu tư trên là các khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn gốc từ 6-12 tháng và hưởng lãi suất từ 3,4%/năm đến 7,5%/năm.

Tổng nợ phải trả đến cuối quý I ghi nhận 1.211 tỷ đồng, tăng 8% so với số đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 778 tỷ đồng.

Theo Báo cáo thường niên vừa công bố, sang năm 2024, Sao Ta cho rằng, thách thức của ngành tôm vẫn sẽ còn kéo dài ít nhất 6 tháng đầu năm, thậm chí có thể với quy mô và mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với năm 2023. Trong đó, vấn đề căng thẳng tại Biển Đỏ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu tôm sang Mỹ và châu Âu; vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ có thể làm giảm lợi nhuận và sức cạnh tranh của doanh nghiệp tôm Việt.

Trước những thách thức của ngành tôm, Sao Ta tiếp tục chọn Nhật Bản là thị trường chiến lược lâu dài, tập trung phát triển thị trường này, đồng thời từng bước thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hồ Quốc Lực thông tin tại báo cáo thường niên năm 2023.

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm tôm chế biến sâu và chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác chống bán phá giá và chống trợ cấp trong năm 2024.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý I/2024 ước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm trong quý đạt hơn 690 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.

Tại Mỹ, xuất khẩu tôm sang thị trường trong quý I tăng 15%. Ở thị trường Trung Quốc, nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam được chú ý (xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc trong quý I tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ). Xuất khẩu tôm chân trắng sang Nhật Bản tăng 20%.

VASEP đánh giá, trong quý I/2024, giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nhìn chung có nhích hơn so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP kỳ vọng sau các Hội chợ thủy sản Quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản, đơn hàng cho các doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn và giá xuất khẩu sẽ tốt dần lên.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/sao-ta-fmc-doanh-thu-quy-i-tang-gan-45-co-780-ty-tien-nhan-roi.html