Sắp bỏ chứng nhận đăng kiểm ô tô bằng giấy?
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ xây dựng hệ thống phần mềm để tích hợp giấy chứng nhận kiểm định điện tử.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), hệ thống phần mềm sẽ tích hợp giấy chứng nhận kiểm định điện tử với dữ liệu tài khoản định danh điện tử của chủ xe và ứng dụng VNeID. Việc này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cũng như các cơ quan chức năng trong việc quản lý, sử dụng và kiểm soát.
Việc cấp chứng nhận đăng kiểm điện tử cũng giúp phát hiện được các xe sử dụng Chứng nhận đăng ký xe giả khi đi kiểm định. Với các trường hợp này, cơ sở đăng kiểm (CSĐK) phải nhập thông tin lên hệ thống cảnh báo và thông báo cho công an địa phương để xử lý theo quy định.
Theo Nghị định số 166/2024 của Chính phủ, từ đầu năm nay sẽ bổ sung trường hợp CSĐK xe cơ giới được bố trí chung với bến xe, trạm dừng nghỉ thì không phải áp dụng quy định về diện tích. Tuy nhiên, xưởng kiểm định phải đáp ứng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí CSĐK xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải (KĐKT) mô tô, xe gắn máy (QCVN 103:2024/BGTVT).
Với cơ sở KĐKT cố định thì khu vực KĐKT phải có diện tích tối thiểu 15m2, tương ứng với 1 thiết bị đo khí thải và có thể sử dụng chung với cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa mô tô, xe gắn máy.
Đối với cơ sở KĐKT lưu động thì không cần phải đáp ứng quy định về diện tích, nhưng trang thiết bị và phương tiện để phục vụ việc KĐKT phải được lắp đặt cố định trên xe chuyên dùng KĐKT lưu động.
Về nhân lực, một CSĐK phải có tối thiểu 1 đăng kiểm viên (ĐKV) hạng III, hạng II hoặc I và có nhân viên nghiệp vụ (nhân sự có thể kiêm nhiệm các vị trí nếu đáp ứng được chứng chỉ chuyên môn).
CSĐK xe cơ giới được thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định cho cả xe cơ giới và thực hiện KĐKT, cấp chứng nhận KĐKT cho chủ mô tô, xe gắn máy. Cơ sở KĐKT thực hiện KĐKT và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho chủ xe gắn máy. Cơ sở có ĐKV về xe máy chuyên dùng sẽ được thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe máy chuyên dùng.
Lãnh đạo CSĐK là ĐKV hạng II trở lên (quy định cũ là ĐKV bậc cao, hoặc ĐKV đã thực hiện nhiệm vụ của ĐKV tối thiểu 36 tháng). Đồng thời, Nghị định 166/2024 không quy định số lượng ĐKV tối thiểu trên dây chuyền kiểm định.
Các hạng ĐKV mới là hạng I, hạng II (tương ứng với ĐKV xe cơ giới bậc cao và ĐKVN xe cơ giới trước đây), bổ sung ĐKV hạng III thực hiện việc kiểm định khí thải (KĐKT); chỉnh sửa điều kiện về thời hạn để được đánh giá từ ĐKV hạng II lên đăng kiểm viên hạng I là 5 năm (trước đây là 3 năm).
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sap-bo-chung-nhan-dang-kiem-o-to-bang-giay-post1706076.tpo