Sắp cạn tiền, học sinh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam nguy cơ không thể tiếp tục đi học
Từ đóng góp của phụ huynh, sau khi chỉ trả lương giáo viên và nhiều khoản liên quan để vận hành nhà trường, số dư tài khoản hiện tại là 9,5 tỷ đồng - không đủ để trường tiếp tục hoạt động thời gian tới.
Tối 9/4, một số phụ huynh có con học tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) cho biết, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đã gửi thư ngỏ gửi cho tất cả phụ huynh học sinh của trường.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, với sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh, từ ngày 1/4, có 748 phụ huynh đồng thuận đóng góp hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường cho đến cuối năm học 2023-2024.
Tính đến 15h ngày 8/4, phụ huynh đóng góp tổng số tiền hơn 28,4 tỷ đồng. Sau khi chi trả lương, BHXH, BHYT cho giáo viên, trợ giảng, nhân viên người nước ngoài, người Việt Nam làm việc tại trường và các khoản phục vụ hoạt động giảng dạy để vận hành nhà trường, số dư tài khoản hiện tại là 9,5 tỷ đồng.
Sở cũng đã có văn bản yêu cầu nhà đầu tư và hiệu trưởng Trường AISVN thực hiện xác nhận kinh phí do phụ huynh đóng góp hỗ trợ duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường cho đến cuối năm học 2023 - 2024, cam kết hoàn trả sau khi thực hiện tái cấu trúc Công ty cổ phần giáo dục Quốc tế Mỹ.
Tuy nhiên, với số dư hiện tại, Sở GD&ĐT TP.HCM ước tính không thể tiếp tục duy trì hoạt động giảng dạy trực tiếp cho học sinh toàn trường đến khi kết thúc năm học.
"Sở GD&ĐT TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với đại diện của 748 phụ huynh, tiếp nhận đề xuất tổ chức giảng dạy trực tiếp đối với học sinh đã đóng góp hỗ trợ và giảng dạy trực tuyến cho những học sinh chưa đóng góp. Chúng tôi vẫn ưu tiên cho giải pháp học sinh được đến trường, học tập và sinh hoạt trực tiếp với thầy cô, bạn bè", ông Nguyễn Văn Hiếu nêu.
Ông Hiếu cũng mong quý phụ huynh cùng chung tay đồng hành với Sở, đồng thuận và đóng góp hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường để việc học tập của học sinh trong những tháng cuối năm học 2023 -2024 không bị gián đoạn.
Hiện nay Sở GD&ĐT đang cùng nhà trường tìm kiếm nhà đầu tư đủ năng lực, uy tín để thực hiện tái cấu trúc và tổ chức hoạt động giáo dục của nhà trường trong những năm học tới.
Trước đó, tổ công tác liên ngành bao gồm Sở GD&ĐT, Công an TP.HCM, UBND huyện Nhà Bè đã tổ chức buổi làm việc với cha mẹ học sinh và Hội đồng trường AISVN. Tại cuộc họp này, AISVN mong muốn phụ huynh đóng góp 129 tỷ để trường hoạt động cho đến cuối năm học (tháng 6/2024).
Tại buổi làm việc, ông Hồ Quang Trung, thành viên hội đồng trường chia sẻ, tình hình tài chính của AISVN gặp nhiều khó khăn, nhà trường đã nêu ra nhiều phương án để mời gọi nhà đầu tư vào hợp tác nhằm mục đích duy trì hoạt động của trường.
Đối với số tiền phụ huynh đã đóng, nhà trường đang có hướng phát hành cổ phiếu đến phụ huynh.
Cụ thể, AISVN mong muốn Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ với trường thẩm định để sớm hoàn tất phương án thực hiện cổ phần theo hướng chuyển đổi các gói đầu tư dài hạn của phụ huynh thành cổ phần. Đồng thời, kêu gọi phụ huynh thật sự tâm huyết, tin tưởng và có năng lực tốt góp thêm vốn và tham gia Ban quản trị để điều hành trường có hiệu quả.
Kế hoạch này sẽ được trưng cầu ý kiến phụ huynh và hoàn tất khẩn trương trước năm học 2024 - 2025 nếu được phụ huynh đồng ý.
Lộ trình thực hiện được nhà trường đưa ra như sau: Bước 1, phụ huynh thực hiện cam kết chuyển đổi hợp đồng đầu tư thành cổ phần; bước 2 là kêu gọi tăng vốn hoạt động, trong đó ưu tiên phụ huynh hiện tại được góp vốn tương ứng với cổ phần sau khi chuyển đổi.
Trường hợp phụ huynh không có nhu cầu góp thêm vốn sẽ ưu tiên quyền góp vốn lần lượt cho chủ đầu tư, cho các nhà đầu tư ở bên thứ 3 có nhu cầu (kêu gọi rộng rãi); bước 3, sau khi thống nhất phương án góp vốn, các bên sẽ thực hiện góp vốn theo lộ trình và phương án thực hiện cổ phần của trường để vận hành trường.
Tuy nhiên, theo bà Trần Phương Anh, đại diện phụ huynh giám sát hoạt động nhà trường, việc kêu gọi đóng tiền từ phía phụ huynh là rất khó, quan trọng nhất là do nhà trường bị mất lòng tin vì không đưa ra được phương hướng hoạt động lâu dài.
Phụ huynh không đóng tiền vì họ không nhìn thấy rõ phương hướng hoạt động của nhà trường. Đặc biệt, không biết nhà trường có đưa ra phương án dự phòng hay không.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở đang giám sát hoạt động của trường, của công ty để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, giáo viên, nhân viên. Đồng thời cũng đề nghị nhà đầu tư có phương án cụ thể về việc tái cấu trúc trước ngày 15/5.