Sắp chia tay Nhà Trắng, Tổng thống Biden tung sắc lệnh mới, rẽ lối quân sự cho một nước Trung Đông

Chỉ còn vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden trao lại Nhà Trắng và quyền lực cho người kế nhiệm Donald Trump, ông đã ký các sắc lệnh có thể xem là cuối cùng trong nhiệm kỳ, đồng thời phát biểu chia tay từ Phòng Bầu dục.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu chia tay toàn quốc tại Phòng Bầu dục tối 15/1. (Nguồn: Facebook Nhà Trắng)

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu chia tay toàn quốc tại Phòng Bầu dục tối 15/1. (Nguồn: Facebook Nhà Trắng)

Theo hãng thông tấn AFP, ngày 16/1, Tổng thống Biden đã ban hành sắc lệnh nhằm củng cố khả năng phòng thủ của nước này trước các cuộc tấn công mạng đe dọa an ninh của Mỹ hoặc các đồng minh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc trừng phạt các quốc gia đứng sau những cuộc tấn công như vậy.

Sắc lệnh mới nhất yêu cầu các công ty bán phần mềm hoặc hệ thống cho chính phủ phải chứng minh họ đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh được đề ra trong một sắc lệnh do Tổng thống Biden ban hành cách đây 4 năm.

Ngoài ra, tài liệu này cũng khởi động quan hệ đối tác giữa chính phủ và khu vực tư để sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện các mối đe dọa và khắc phục lỗ hổng mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Cùng ngày, truyền thông Hy Lạp cho hay, Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh cho phép Cộng hòa Cyprus, một quốc gia Trung Đông ở phía Đông Địa Trung Hải, tiếp cận 3 chương trình quân sự quan trọng của Mỹ.

Theo ERTNews, Cyprus đã tham gia các chương trình Bán vũ khí quân sự cho nước ngoài (FMS), Vật tư quốc phòng dư thừa (EDA) và Hợp tác an ninh theo Điều 10.

Động thái trên được coi là đặc biệt quan trọng đối với Cyprus vì sẽ thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước, tăng cường khả năng tương thích trong hoạt động và quan hệ an ninh, đồng thời hiện đại hóa quốc phòng của nước này.

FMS cho phép Mỹ có thể chuyển giao vật tư, dịch vụ và huấn luyện phòng thủ cho các đối tác quốc tế; chương trình EDA tạo điều kiện cho các chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế nhận thiết bị quốc phòng dư thừa của Mỹ và chương trình hợp tác an ninh theo Điều 10 tạo cơ hội tham gia lực lượng an ninh của các nước.

Trước đó, tối 15/1, Tổng thống Biden đã có bài phát biểu chia tay dài 19 phút từ Phòng Bầu dục, khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ trong vài ngày tới.

Điểm lại sự nghiệp chính trị gần 50 năm của mình, ông Biden bày tỏ hy vọng di sản mà ông để lại sẽ được duy trì trong nhiều năm tới. Tổng thống thứ 46 của Mỹ đề cập một số thành tựu đối ngoại trong nhiệm kỳ, trong đó có việc giúp củng cố sức mạnh cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhà lãnh đạo cảnh báo về con đường mà Mỹ tiến tới, nguy cơ sẽ xói mòn các thể chế được duy trì trong 50 năm qua, khi có "tầng lớp tài phiệt" đang phát triển, gồm những người giàu có, quyền lực và có ảnh hưởng lớn sẽ đe dọa toàn bộ nền dân chủ, các quyền tự do cơ bản và cơ hội bình đẳng cho mọi người

Theo ông, cần kiểm soát nhóm siêu giàu này để họ không hưởng các đặc quyền so với tầng lớp lao động hay trung lưu.

Ông chủ Nhà Trắng bày tỏ lo ngại tin sai, tin giả phát tán trên các mạng xã hội nguy cơ dẫn tới tình trạng "lạm quyền" tại Mỹ, đồng thời kêu gọi chính phủ phải buộc các mạng xã hội chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em, gia đình và nền dân chủ Mỹ khỏi tình trạng lạm quyền.

Ông Biden cũng đánh giá về những cơ hội và rủi ro của trí tuệ nhân tạo, đồng thời kêu gọi Mỹ đi đầu thế giới trong việc phát triển công nghệ mới nổi này.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sap-chia-tay-nha-trang-tong-thong-biden-tung-sac-lenh-moi-re-loi-quan-su-cho-mot-nuoc-trung-dong-301192.html