Vì sao Mỹ muốn 'cấm cửa' TikTok?

Mỹ cáo buộc TikTok thu thập thông tin nhạy cảm và chia sẻ dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc, đồng thời gây ảnh hưởng tới người dùng thông qua thuật toán.

 TikTok đang đến gần lệnh cấm hoàn toàn tại thị trường Mỹ vào ngày 19/1 tới. Ảnh: Reuters.

TikTok đang đến gần lệnh cấm hoàn toàn tại thị trường Mỹ vào ngày 19/1 tới. Ảnh: Reuters.

Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết TikTok đã chuẩn bị cho kế hoạch rút khỏi thị trường Mỹ vào ngày 19/1 tới. Trước đó, một đạo luật được lưỡng đảng thông qua và Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào tháng 4 kêu gọi ByteDance - công ty mẹ của TikTok - hoặc bán ứng dụng cho một công ty ngoài Trung Quốc, hoặc bị cấm.

Tại Mỹ, ứng dụng này có 170 triệu người sử dụng. Hồi cuối tháng 12/2024, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đệ bản tường trình lên Tòa án Tối cao, trong đó yêu cầu thẩm phán dừng lệnh cấm TikTok có hiệu lực vào tháng 1 để ông có thể “đàm phán một nghị quyết” cứu nền tảng này.

Vậy Mỹ đang đưa ra những lập luận nào chống lại TikTok?

TikTok phụ thuộc vào chính phủ Trung Quốc

Theo Giám đốc FBI Chris Wray, TikTok gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ. Ông nhấn mạnh các công ty Trung Quốc, về cơ bản, phải “tuân theo mọi yêu cầu của chính phủ Trung Quốc liên quan tới chia sẻ thông tin hoặc trở thành công cụ của chính phủ Trung Quốc”.

Trong khi đó, các thành viên Quốc hội Mỹ cho rằng chính phủ Trung Quốc có “cổ phần vàng” trong ByteDance. Cổ phần vàng là loại cổ phiếu đặc biệt trao cho cổ đông quyền hành cao hơn với những thay đổi trong điều lệ công ty.

TikTok lập luận chỉ có một bên liên kết với chính phủ Trung Quốc sở hữu 1% công ty con của ByteDance, Douyin Information Service. Họ cho biết việc này “không liên quan đến hoạt động toàn cầu của ByteDance bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả TikTok”.

 Những người sáng tạo nội dung Mỹ trên TikTok ủng hộ ứng dụng tại Washington. Ảnh: New York Times.

Những người sáng tạo nội dung Mỹ trên TikTok ủng hộ ứng dụng tại Washington. Ảnh: New York Times.

TikTok là công cụ tác động đến người Mỹ

Ông Wray nhấn mạnh các hoạt động của TikTok tại Mỹ là hiểm họa với an ninh quốc gia vì chính phủ Trung Quốc có thể khai thác ứng dụng chia sẻ video này để tác động đến người dùng hoặc kiểm soát thiết bị của họ.

“Có khả năng chính phủ Trung Quốc dùng TikTok để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng hoặc kiểm soát thuật toán đề xuất”, ông Wray chia sẻ với các nhà lập pháp Mỹ.

Hồi tháng 3/2023, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Paul Nakasone bày tỏ lo ngại về dữ liệu do TikTok thu thập, thuật toán được sử dụng để phân phối thông tin đến người dùng và bên đang kiểm soát thuật toán này.

Ông khẳng định nền tảng TikTok có thể thực hiện các chiến dịch gây ảnh hưởng sâu rộng, bởi TikTok có khả năng chủ động tác động đến người dùng và cũng có thể "ngừng truyền tải thông điệp" khi cần.

TikTok khẳng định họ "không cho phép chính phủ nào tác động hoặc thay đổi mô hình đề xuất".

TikTok giao dữ liệu của người Mỹ cho chính phủ Trung Quốc

Các nhà lập pháp Mỹ cáo buộc chính phủ Trung Quốc, theo luật Tình báo Quốc gia năm 2017, có thể buộc ByteDance chia sẻ dữ liệu người dùng TikTok.

TikTok lập luận vì được thành lập tại California và Delaware nên họ phải tuân theo luật pháp và quy định của Mỹ. CEO TikTok cho biết công ty chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc.

TikTok gây hại cho sức khỏe tâm thần của trẻ em

Vào tháng 3/2022, 8 bang, bao gồm California và Massachusetts, mở cuộc điều tra xem xét TikTok có gây hại cho sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của người trẻ tuổi hay không. Cuộc điều tra tập trung vào cách TikTok thúc đẩy người dùng trẻ tuổi tham gia, trong đó có cáo buộc tăng thời gian và tần suất sử dụng nền tảng này.

TikTok cho biết họ đã thực hiện nhiều bước "đảm bảo thanh thiếu niên dưới 18 tuổi có trải nghiệm an toàn và thú vị trên ứng dụng. Nhiều biện pháp trong số này áp đặt các hạn chế không có trên các nền tảng tương đương".

TikTok theo dõi nhà báo

Vào tháng 12/2022, ByteDance cho biết một số nhân viên đã truy cập trái phép vào dữ liệu người dùng TikTok của hai nhà báo. Họ truy cập dữ liệu trong quá trình điều tra vụ rò rỉ thông tin nội bộ của công ty hồi đầu năm, nhằm vào mối quan hệ giữa nhân viên TikTok với nhà báo BuzzFeed và Financial Times. Các nhân viên xem địa chỉ IP của hai nhà báo, nhằm xác định họ có ở cùng địa điểm với những người bị nghi ngờ tiết lộ thông tin mật hay không.

4 nhân viên ByteDance liên quan tới vụ việc, gồm 2 người ở Trung Quốc và 2 người ở Mỹ, đã bị sa thải. ByteDance khẳng định họ đã thực hiện các bước đi bổ sung nhằm bảo vệ dữ liệu người dùng.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-my-muon-cam-cua-tiktok-post1525478.html