Sắp có sách giải thích Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam
Theo luật sư Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN) việc ban hành một cuốn giải thích bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN nhằm mục đích thống nhất về nhận thức của bộ quy tắc…
Hôm nay (24-4), Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VN) phối hợp với Dự án JICA (do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ) tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến, hoàn thiện cuốn giải thích bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN”.
Cuốn giải thích để tạo ra sự thống nhất trong nhận thức
Phát biểu khai mạc, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN) cho rằng việc ban hành một cuốn giải thích bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN nhằm mục đích thống nhất về nhận thức bộ quy tắc. Đây là một vấn đề rất khó.
Theo ông Thịnh, bộ quy tắc đạo đức hiện nay gồm 32 quy tắc, đọc thì có thể hiểu, ngay cả sinh viên mới ra trường vẫn có thể hiểu. Thế nhưng sau các kỳ thi tập sự luật sư cho thấy thí sinh “trượt” bộ quy tắc chiếm 20-30%. Và qua thực tiễn việc khiếu nại tố cáo, những luật sư nhiều kinh nghiệm vẫn vi phạm. Nguyên nhân là do sự hiểu, nhận thức không thống nhất về bộ quy tắc, là sự chủ quan chưa tìm hiểu kỹ bộ quy tắc… Một trong những yêu cầu rất cao đối với nghề luật sư là những người mới vào nghề hay đã hành nghề lâu năm phải ứng xử quy tắc như nhau.
Vì vậy, mục tiêu của cuốn giải thích bộ quy tắc là tạo ra sự thống nhất trong nhận thức bộ quy tắc.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: YC
Theo ông Thịnh, ông mong muốn cuốn giải thích này là công trình của tập thể các luật sư. Tổ soạn thảo sẽ xin ý kiến Ban thường vụ Liên đoàn để thành lập hội đồng thẩm định (gồm Liên đoàn, các cơ quan tố tụng và các cơ quan liên quan) để xem xét góp ý cho cuốn giải thích. Dự kiến, cuốn sách này sẽ xuất bản dịp chào mừng 80 năm ngày Luật sư VN (10-10-1945- 10-10-2025)
Chỉ mang tính chất tham khảo
Theo lời giới thiệu của bản thảo cuốn giải thích, để có sự nhận thức và hiểu một cách đúng đắn, thống nhất tinh thần và nội dung từng quy tắc, cần có một cuốn sách giải thích cụ thể, làm cơ sở cho việc áp dụng và thực hiện trong thực tế hành nghề của các luật sư. Nay, bản thảo cuốn sách đã hoàn thành trình Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư VN xem xét, quyết định xuất bản.
Việc giải thích các quy tắc trong bộ quy tắc nhằm mục đích làm rõ tinh thần, nội dung của các quy tắc để có nhận thức, thực hiện đúng đắn, thống nhất các quy tắc. Nội dung giải thích không có tính bắt buộc thực hiện mà chỉ có giá trị tham khảo. Chỉ có nội dung các quy tắc mới có giá trị thực hiện.
Các quy định pháp luật không thuộc phạm vi giải thích của bộ quy tắc. Tuy nhiên, do hành vi ứng xử của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp còn đồng thời được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật (pháp luật về luật sư, pháp luật về tố tụng...), nên khi giải thích các quy tắc, nội dung giải thích hoặc các ví dụ kèm theo có thể lưu ý về những nghĩa vụ, trách nhiệm theo luật định.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC
Các ví dụ hoặc tình huống thực tế hay giả định có thể được kèm theo nội dung giải thích để minh họa nội dung áp dụng của quy tắc. Các tình huống minh họa không có giá trị như giải thích, mà chỉ có ý nghĩa như giải đáp tình huống.
6 luật sư có kinh nghiệm soạn thảo
Tổ soạn thảo gồm sáu thành viên có kinh nghiệm hành nghề, đã tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng luật sư về bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Đó là:
1. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN (Tổ trưởng) viết chương I - Quy tắc chung;
2. Luật sư Nguyễn Hải Nam - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN viết Chương II - Quan hệ với khách hàng;
3. Luật sư Nguyễn Minh Tâm - Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư VN, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư VN, viết Chương II - Quan hệ với khách hàng;
4. Luật sư Nguyễn Thế Phong - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư VN, Chủ nhiệm Ủy ban Đạo đức, Khen thưởng, kỷ luật viết chương III - Quan hệ với đồng nghiệp;
5. Luật sư Trần Văn An - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư VN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đạo đức, khen thưởng, kỷ luật viết chương IV - Quan hệ với cơ quan, người tiến hành tố tụng;
6. Luật sư Lê Nết - Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ủy viên Ủy ban Đào tạo, bồi dưỡng Luật sư Liên đoàn Luật sư VN viết chương V quan hệ của luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác và chương VI - các quy tắc khác.