Sắp diễn ra triển lãm quốc tế vải cao cấp Texfuture Việt Nam 2023
Triển lãm Texfuture Việt Nam 2023 tại TP HCM chuyên sâu vào chủ đề vải và phụ kiện thể hiện sự tôn trọng sản xuất truyền thống và giới thiệu các sản phẩm áp dụng công nghệ mới, theo phương pháp xanh hóa, hỗ trợ hành tinh, hệ sinh thái ngành.
Tại lễ công bố Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023 ngày 22/2 ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc VCCI TP HCM nhận định ngành dệt may không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba cả nước, mà còn là ngành kinh tế góp phần ổn định an sinh xã hội.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, trong xu hướng toàn cầu hóa, doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam cần có sự chuyển mình để đóng góp vào sự phát triển bền vững toàn ngành, phải tiếp cận nhiều nguồn nguyên liệu vải khác nhau, áp dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường để đảm bảo hàng hóa có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ...
Vì thế, nhân dịp này CTCP Giải pháp Dệt may Bền vững (STS) sẽ phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP HCM (VCCI-HCM) và Tengda Exhibition sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023 với chủ đề “Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn – Thông minh hơn – Xanh hơn” từ ngày 22/03 - 24/03/2023 tại GEM Center, TP HCM.
Đây là sự kiện đầu tiên của ngành Dệt may Việt Nam trong năm 2023 được bảo trợ bởi UBND TP HCM, Sở Công Thương TP HCM, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Công ty CP Giải pháp Dệt may bền vững và Tengda Exhibition phối hợp tổ chức thực hiện.
Phó Giám đốc VCCI TP HCM bày tỏ hy vọng, thông qua triển lãm Texfuture 2023, các doanh nghiệp không chỉ được tăng cường năng lực cạnh tranh, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu, mà còn có thể tìm ra giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển xanh, hướng đến mục tiêu Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050 như lời Thủ tướng cam kết tại Hội nghị COP26.
Cũng trong lễ công bố thông tin, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng - Giám đốc Đối ngoại STS chia sẻ, nhìn từ thực tế, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may cao nhưng giá trị gia tăng còn thấp, chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, năng suất lao động thấp hơn các nước trong khu vực.
Do vậy, thách thức của dệt may Việt Nam là cần phát triển theo chiều sâu trong thời gian tới, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung những công đoạn có giá trị cao như thiết kế mẫu mã sản phẩm, từng bước vươn lên bậc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành tạo ra các tác động nhiều nhất cho ô nhiễm môi trường. Các vấn đề chính bao gồm ô nhiễm nước và không khí, khí nhà kính và thải hóa chất.
Vậy nên các loại vải mới và công nghệ sản xuất tiên tiến là xu hướng chính của ngành dệt may. Số hóa hàng loạt trong dệt may sử dụng các công cụ tiên tiến xoay quanh IoT, AI, phân tích dữ liệu và công nghệ 3D. Những công nghệ này không chỉ cải thiện hiệu suất sản xuất mà còn tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững.
Ngoài ra, vì sản xuất quần áo là một lĩnh vực có tính cạnh tranh cao nên các công ty dệt may đang chú ý nhiều hơn đến các khái niệm tiếp thị đổi mới và sáng tạo. Để đạt được điều đó, cần sự tham gia của nhiều ngành trong hệ sinh thái dệt may như thiết kế thời trang, công nghệ,...
Với 3 từ khóa quan trọng là “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế xanh” và “chuyển đổi số”, Texfuture Việt Nam 2023 được kỳ vọng mang đến cho cộng đồng sự kết nối hợp tác cả trong và ngoài nước để hướng đến mục tiêu dệt may bền vững. “Thông qua triển lãm, chúng tôi mong muốn từng bước tạo ra hệ sinh thái chuỗi cung ứng của ngành dệt may, sẵn sàng chinh phục các thị trường quốc tế. Đây sẽ là viên gạch khởi đầu thể hiện sự đồng lòng của toàn ngành”, bà Thúy Phượng khẳng định.