Sắp mãn nhiệm, ông Trump 'tung đòn liên hoàn' lên Trung Quốc
Nhà Trắng hôm 13-1 cho biết Tổng thống Donald Trump ký tăng cường lệnh cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty bị nghi có liên quan đến quân đội Trung Quốc, nhằm ngăn Bắc Kinh tiếp cận thị trường vốn của Mỹ trong những ngày cuối nhiệm kỳ.
Theo lệnh sửa đổi bổ sung đến ngày 11-11-2021, các nhà đầu tư Mỹ được yêu cầu thoái vốn toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ của các công ty bị Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) cho là do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát.
Sự thay đổi này mở rộng phạm vi của sắc lệnh ban đầu được đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái, theo đó chỉ hạn chế các nhà đầu tư Mỹ mua các chứng khoán của các công ty Trung Quốc nghi có dính líu đến quân đội Trung Quốc.
Một quan chức chính quyền cấp cao nói với hãng tin Reuters: "Sắc lệnh hôm nay đảm bảo rằng Mỹ duy trì một công cụ quan trọng để ngăn các nhà đầu tư Mỹ tài trợ cho việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc".
Sắc lệnh này được xem là một phần trong nỗ lực của ông Trump nhằm củng cố di sản cứng rắn đối với Trung Quốc trong những ngày cuối cùng tại vị.
Trong số 35 công ty mà DOD đã đưa vào danh sách đen cho đến nay có nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC và Tập đoàn dầu mỏ CNOOC. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa bình luận về vụ việc.
Cùng ngày, chính quyền Tổng Trump thông báo lệnh cấm nhập khẩu đối với toàn bộ sản phẩm bông và cà chua từ khu vực Tân Cương - Trung Quốc.
Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) hôm 13-1 cho biết lệnh cấm áp dụng đối với các sản phẩm bông sợi, vải, quần áo cũng như cà chua đóng chai, nước sốt, hạt giống và các sản phẩm từ cà chua được nhập khẩu từ khu vực Tân Cương. Lệnh cấm được đưa ra sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức là những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương để làm ra các sản phẩm trên.
CBP, cơ quan thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), ước tính khoảng 9 tỉ USD sản phẩm từ bông và 10 triệu USD sản phẩm từ cà chua đã được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ trong năm ngoái.
Quyền Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ Kenneth Cuccinelli cho rằng lệnh cấm mới cho thấy DHS sẽ không chấp nhận lao động bị cưỡng ép dưới bất kỳ hình thức nào và các công ty phải loại bỏ các sản phẩm từ Tân Cương ra khỏi chuỗi cung ứng của họ.
Đây là động thái mới nhất của chính quyền ông Trump trong những ngày cuối nhiệm kỳ tổng thống nhằm củng cố lập trường của Mỹ đối với Bắc Kinh, đặt ra các hình phạt kinh tế khiến Tổng thống đắc cử Joe Biden khó có thể xoa dịu căng thẳng Mỹ-Trung sau khi ông nhậm chức vào ngày 20-1.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuyên bố cáo buộc lao động bị cưỡng bức là "sự lừa dối chính trị" và cảnh báo sẽ có biện pháp để bảo vệ lợi ích của các công ty bị ảnh hưởng.