Sáp nhập 16 phường ở TP HCM: Sự thật thấy rõ là gì?
Khó khăn lớn nhất của việc sáp nhập 16 phường ở TP HCM là số lượng lớn cán bộ công chức dôi dư, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý.
Trong năm 2019, TP HCM sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định. Theo đó, trong giai đoạn 2019 - 2021 có sẽ sáp nhập 16 phường ở 8 quận.
Việc sáp nhập này thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mục đích của việc sắp xếp là nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, với khả năng quản lý của chính quyền cơ sở.
Theo đó, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, dư luận còn nhiều ý kiến băn khoăn lo ngại việc sáp nhập huyện, xã, sở ngành nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, dễ tạo bức xúc và ảnh hưởng đến công tác nhân sự Đại hội Đảng sắp tới. Nhất là vấn đề sắp xếp lại cán bộ trong đội ngũ công chức và cán bộ không chuyên trách của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể, việc xử lý cán bộ dôi dư và chế độ chính sách đối với họ.
Trước những băn khoăn trên, yêu cầu đặt ra là việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ. Cách làm cần chặt chẽ, thận trọng, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội.
Liên quan việc sáp nhập 16 phường tại TP HCM, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV.
- Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có quyết định ban hành kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã TP HCM trong giai đoạn 2019-2021. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2021 có 16 phường ở 8 quận thuộc diện được xem xét sáp nhập. Vì sao lại phải sáp nhập các đơn vị hành chính này, thưa ông?
Việc hợp nhất sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã được triển khai không chỉ ở TP HCM mà trên toàn quốc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc hợp nhất sáp nhập không chỉ ở cấp cơ sở xã phường, thị trấn mà ở cả cấp huyện, nếu không đạt 2 tiêu chí vẫn phải sáp nhập.
Do đây là Nghị quyết nên Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang ở động thái hết sức quyết liệt. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 37- NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện xã 2019- 2021. Ngay sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP về ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019- 2021.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện đang thành lập, xây dựng đề án để sáp nhập đối với cấp cơ sở không đạt 2 tiêu chí.
- Việc sáp nhập 16 phường tại TP HCM nhằm hướng tới mục tiêu gì thưa ông?
Việc sắp xếp sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp huyện, xã sẽ giúp tinh giản bộ máy, biên chế. Đó là cái cốt lõi phải làm. Qua việc sắp xếp sáp nhập này sẽ chọn được những cán bộ có năng lực, trình độ phẩm chất, có tâm, có tầm để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước giao.
Ngoài ra, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, phường nhằm tổ chức hợp lý các đơn vị cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy và phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
- Theo ông, khó khăn lớn nhất của việc sáp nhập 16 phường tại TP HCM là gì?
Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng có những hạn chế mà gọi đúng thì đó là cái khó. Đó là cán bộ, công chức cấp cơ sở, cán bộ không chuyên trách họ sẽ rất hụt hẫng, sau khi sáp nhập lại, tinh giản bộ máy, biên chế thì họ sẽ phải nghỉ việc. Tuy nhiên, cái khó này trước mắt chứ không phải lâu dài.
- Giải pháp để khắc phục, giải quyết những khó khăn trong quá trình sáp nhập, theo ông là gì?
Mỗi nơi, mỗi địa phương sẽ biết vận dụng thực hiện chính sách như TP HCM. Khả năng tiềm lực của TP HCM rất là lớn, người ta sẽ thực hiện chế độ chính sách để giải quyết cho những cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập lại như việc họ sẽ được hưởng một chính sách, chế độ để họ tìm việc làm mới. Đây là chủ trương đúng đắn để đảm bảo, có được yêu cầu của việc sáp nhập. Cán bộ diện sáp nhập họ sẽ bỡ ngờ, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm họ sẽ hơi băn khoăn nhưng từng bước sẽ thực hiện được. Để làm sao cho bộ máy của chúng ta càng ngày càng tinh, mạnh, khỏe để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ.
Thực tế hiện nay, có phường xã mấy chục nghìn dân nhưng cũng có cấp phường xã chỉ vài nghìn dân. Tại sao cũng bộ máy ấy với ngần ấy cán bộ, họ quản lý được địa bàn rộng lớn với hàng chục nghìn dân và cũng tương đương số cán bộ ấy ở xã, phường khác chỉ quản lý vài nghìn dân. Nên những xã, phường ít dân, diện tích bé nên sáp nhập lại cần sáp nhập lại cho đỡ tốn kém ngân sách mà tiền ngân sách cũng là tiền người dân.
Hiện nay TP HCM có những phường thuộc diện phải sáp nhập. Tuy nhiên, các phường này hiện nay đều có đặc thù không đủ tiêu chí về dân số, nhưng theo quy hoạch, trong tương lai các phường này sẽ rất đông dân cư. Sau này, dân cư tăng lên với số lượng lớn thì tách ra lại cũng sẽ phức tạp về nhiều thủ tục. Ông nghĩ sao về việc này?
Trước mắt phải hợp nhất, sáp nhập, chủ trương từ Trung ương xuống đến Thành phố là phải cố gắng phấn đấu đối với các đô thị nội thành là phải giãn dân. Hạn chế đến mức thấp nhất việc xây dựng nhà cao tầng ở nội thành, dần bước quy hoạch tổng thể chung để đưa những cơ sở bộ, ngành, dịch vụ ra khỏi nội đô để nội thành có một không khí thoáng, trong lành, đảm bảo không gian cho người dân hưởng thụ, tránh tình trạng kẹt xe do dân số đông. Dân số cơ học là vậy nhưng dân số tự nhiên dần dần phải giảm bớt đi. Hiện nay đâu có diện tích mà mở rộng đường, chỉ mở đường đô thị trên cao và hầm dưới lòng đất nhưng kinh phí đòi hỏi rất cao. Hiện nay, hợp nhất, sáp nhập, sau này theo quy luật, dân số tăng lên thì tiếp tục tính toán đưa ra chính sách, chủ trương sao cho hợp lý. Nhưng dân số ở nội thành đang theo xu hướng giảm chứ không tăng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên!