Sáp nhập đơn vị hành chính - nhìn từ Si Ma Cai

Bài 1: Yêu cầu khách quan

LCĐT - Bài toán sắp xếp, giải quyết vấn đề cán bộ dôi dư hậu sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã luôn gặp khó khăn, nhất là đối với huyện vùng cao Si Ma Cai, trong đó có sự biến động tại 5 xã thuộc diện sáp nhập.

Bài 2: Cần gỡ khó trong công tác cán bộ

Xã Quan Thần Sán hiện có 19 cán bộ, công chức, trong đó người nhiều tuổi nhất là 46 (sinh năm 1973); trình độ chuyên môn đại học và trung cấp lý luận chính trị có 17/19 người. Từ tháng 7/2018, Chủ tịch UBND xã được huyện điều động nhận công tác khác, do nằm trong diện sáp nhập nên huyện không bố trí người thay thế mà phân công Phó Chủ tịch UBND phụ trách điều hành chính quyền. Tương tự, khi Trưởng Công an xã xin nghỉ chế độ theo nguyện vọng, xã không bố trí người thay thế và dừng bổ nhiệm để sẵn sàng cho phương án sáp nhập trong thời gian tới.

Ông Ly Seo Vu, Bí thư Đảng ủy xã Quan Thần Sán (phải ảnh) trao đổi với phóng viên về công tác cán bộ.

Ông Ly Seo Vu, Bí thư Đảng ủy xã Quan Thần Sán (phải ảnh) trao đổi với phóng viên về công tác cán bộ.

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính của huyện Si Ma Cai, xã Quan Thần Sán sẽ sáp nhập với xã Cán Hồ và xã Mản Thẩn để thành lập xã mới có tên gọi dự kiến là Quan Hồ Thẩn. Ông Ly Seo Vu, Bí thư Đảng ủy xã Quan Thần Sán cho biết: Khi có thông tin sáp nhập để thành lập xã mới, đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương rất băn khoăn, lo lắng. Tất cả đều đang ở độ tuổi còn trẻ, họ không biết sau khi sáp nhập, công việc sẽ ra sao, sẽ làm gì và nếu không được bố trí công tác thì chế độ chính sách được giải quyết như thế nào? Rồi ai ở lại, ai thuộc diện tinh giản? Ví dụ như công chức tư pháp của xã vừa được ký hợp đồng từ cuối tháng 3/2019, do lo lắng nên có lúc chểnh mảng công việc. Nắm bắt kịp thời tâm tư, tôi đã trực tiếp gặp gỡ, động viên, giải thích rõ về chủ trương sáp nhập của huyện, đó là không để ai phải thiệt thòi, từ đó đả thông được tư tưởng, giúp công chức này yên tâm công tác. Ngoài gặp gỡ trực tiếp, Đảng ủy, chính quyền địa phương còn thường xuyên tuyên truyền, giải thích những phương án bố trí cán bộ sau khi sáp nhập trong các cuộc giao ban tuần, sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ hằng tháng và các cuộc họp khác. Do đó, mọi người đều xác định cho mình lập trường tư tưởng vững vàng, yên tâm công tác.

Trước đây, xã Lử Thẩn có 6 thôn, sau khi sáp nhập chỉ còn 3 thôn (Lử Thẩn, Chín Chư Phìn, Làng Cảng) với 364 hộ, 1.926 nhân khẩu. Đội ngũ cán bộ, công chức xã có 21 người, trong đó 1 người thuộc diện hợp đồng. Hầu hết họ trong độ tuổi rất trẻ và trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo quy định, nếu sáp nhập với xã Lùng Sui thì không thể tinh giản biên chế. Biết là cán bộ, công chức xã rất băn khoăn nhưng chúng tôi cũng chỉ biết động viên, giải thích để họ yên tâm công tác, ông La Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn nói.

Ông Lê Đình Nghiệp, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Si Ma Cai cho biết: Phương án của huyện là sẽ sáp nhập xã Lử Thẩn với xã Lùng Sui, lấy tên mới là Lùng Thẩn; sáp nhập xã Quan Thần Sán với xã Cán Hồ và xã Mản Thẩn, thành lập xã mới có tên gọi Quan Hồ Thẩn. Trước mắt, đội ngũ cán bộ, công chức của 2 xã mới sẽ chấp nhận cộng dồn cơ học theo các cặp xã trước khi sáp nhập. Nghĩa là cán bộ, công chức xã mới Lùng Thẩn sẽ có 38 người, trong đó cán bộ 20 người, công chức 18 người; xã Quan Hồ Thẩn sẽ có 54 người, trong đó cán bộ 28 người, công chức 26 người.

100% đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện Si Ma Cai đều đạt chuẩn trình độ.

100% đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện Si Ma Cai đều đạt chuẩn trình độ.

Theo quy định, sau 5 năm sáp nhập, việc sắp xếp, bố trí cán bộ sẽ phải giảm xuống theo đúng quy định của Trung ương. Cụ thể, cả xã Lùng Thẩn và xã Quan Hồ Thẩn đều thuộc xã loại II, được giao 23 biên chế, trong đó cán bộ 10 biên chế, công chức 13 biên chế. Như vậy, 1 xã có ít nhất 15 người và 1 xã có ít nhất 31 người thuộc diện tinh giản. Đặc biệt mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/1/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo đó, trong tương lai, xã Lùng Thẩn và xã Quan Hồ Thẩn sẽ phải giảm từ 23 cán bộ, công chức xuống còn tối đa 21 người (giảm theo quy định cũ 2 người). Đây là một áp lực lớn trong giải quyết bài toán cán bộ, công chức ở địa phương.

Qua trao đổi, anh Thào Seo Thính, công chức tư pháp xã Quan Thần Sán và anh Đỗ Quốc Hưng, công chức tư pháp xã Lử Thẩn đều cho rằng khi sáp nhập, nếu trụ sở cơ quan chuyển ra vị trí mới, dù xa thêm vài km nhưng không đáng ngại vì giao thông bây giờ đã tốt hơn nhiều. “Chúng tôi chỉ mong khi sáp nhập xã, công tác tổ chức cán bộ sớm được giải quyết, bộ máy đi vào hoạt động ổn định để mọi người yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ” - anh Đỗ Quốc Hưng, cán bộ tư pháp xã Lử Thẩn bộc bạch.

Còn với anh Tẩn Seo Phần, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quan Thần Sán thì tâm tư hơn bởi nếu sáp nhập, 3 người đang giữ chức danh này sẽ chỉ chọn 1 làm trưởng.

Trong tương lai, câu chuyện về giải quyết giảm số lượng công chức ở các xã mới còn có độ lùi, nhưng việc sắp xếp các chức danh cán bộ chủ chốt lại đòi hỏi phải làm ngay khi sáp nhập. Việc lựa chọn cán bộ đảm nhiệm chức danh chủ chốt của xã mới là quyết định khó khăn nhất, bởi số không được chọn sẽ sắp xếp ra sao cho tương ứng với chức danh đang đảm nhận (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND - UBND xã), là điều địa phương cần tính toán kỹ.

Để chuẩn bị cho chủ trương sáp nhập những xã trên và yêu cầu về tinh giản biên chế, 3 năm trở lại đây, huyện Si Ma Cai không tuyển thêm cán bộ, công chức cấp xã và không bổ sung thêm cán bộ, công chức ở các xã khi bị khuyết biên chế mà bố trí kiêm nhiệm. Đồng thời, rà soát cán bộ không đáp ứng về trình độ và năng lực để bố trí cho nghỉ theo quy định; hằng năm thực hiện đánh giá, xếp hạng công chức, cán bộ chặt chẽ làm căn cứ tinh giản biên chế.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Văn Cài, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã làm việc với các xã trong danh sách sáp nhập để làm công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ yên tâm công tác, đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích chủ trương, thời gian dự kiến sáp nhập. Đồng thời, kiến nghị với UBND tỉnh có sự chỉ đạo chung trong toàn tỉnh về cơ chế luân chuyển cán bộ xã giữa các huyện với nhau, giữa huyện có sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã với huyện không sáp nhập để cân đối và cùng với địa phương giải quyết bài toán dôi dư số cán bộ, công chức sau sáp nhập.

Cao Cường - Thành Phú - Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-nhin-tu-si-ma-cai-z1n20190830075845824.htm