Sáp nhập đơn vị hành chính ở Hà Nội: Tạo thuận lợi tối đa cho người dân
Hiện nay, các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường, trong đó có những nơi sáp nhập 3 phường làm 1. Do thay đổi tên gọi, địa giới hành chính nên người dân tại khu vực thuộc diện sắp xếp cũng băn khoăn, lo lắng về việc thay đổi giấy tờ tùy thân, cũng như các thủ tục hành chính khác.
3 phường sáp nhập làm 1
Theo Kế hoạch số 217/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, thị xã Sơn Tây có 3 đơn vị phải sắp xếp, gồm: Phường Ngô Quyền, Quang Trung, Lê Lợi.
Ông Đinh Duy Hưng, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây cho biết, theo phương án sắp xếp, toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 phường Ngô Quyền, Quang Trung, Lê Lợi thành 1 phường mới, với tên gọi là phường Ngô Quyền. Phường mới sẽ có diện tích 2,08km2 với quy mô dân số 25.749 người.
“Hiện nay, thị xã sẽ lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính từ ngày 31/3/2024 đến ngày 2/4/2024. Sau khi lấy ý kiến cử tri, UBND thị xã sẽ tổng hợp, trình phương án để HĐND thị xã thông qua tại kỳ họp tới”, ông Hưng thông tin.
Tại quận Hai Bà Trưng, theo phương án sẽ sáp nhập 7 phường thành 4 phường. Cụ thể, phường Đồng Nhân sáp nhập với phường Đống Mác thành phường mới. Một phần của phường Cầu Dền sáp nhập vào phường Bách Khoa, phần còn lại sáp nhập vào phường Thanh Nhàn.
Phường Quỳnh Lôi sáp nhập vào phường Bạch Mai. Sau khi sáp nhập, quận sẽ còn 15 phường (hiện quận có 18 phường). Hiện tại, quận và các phường đang đẩy mạnh tuyên truyền và niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính.
Tương tự, quận Thanh Xuân có 4 phường phải thực hiện sắp xếp. Theo phương án của quận Thanh Xuân, sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Thanh Xuân Nam vào phường Thanh Xuân Bắc (tên mới là phường Thanh Xuân Bắc); Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Kim Giang vào phường Hạ Đình (tên mới là phường Hạ Đình).
Hiện nay, UBND quận Thanh Xuân đã giao UBND 4 phường niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND phường và các điểm sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, niêm yết những tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri trong thời gian tổ chức lấy ý kiến cử tri. Quận Thanh Xuân sẽ hoàn thành lấy ý kiến cử tri trước ngày 4/4/2024 về nội dung dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính phường.
Ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho rằng, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ góp phần nâng cao đời sống, giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Còn theo Phòng Nội vụ huyện Phúc Thọ, giai đoạn 2023 - 2025, huyện tổ chức sắp xếp 8 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành nên 4 đơn vị hành chính mới. Dự kiến, trước ngày 10/4/2024, huyện sẽ hoàn thành lấy ý kiến của cử tri 8 xã để thống nhất tên gọi của 4 đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.
Hỗ trợ tối đa cho người dân
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, theo phương án số 01/PA-UBND tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của UBND thành phố Hà Nội, dự kiến tác động đến khoảng 156 xã, phường, thị trấn. Sau sắp xếp, thành phố sẽ giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.
Ông Nguyễn Văn Thái, một người dân tại phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) cho rằng, hiện nay mọi giấy tờ của gia đình đều liên quan đến phường Lê Lợi. Sau sắp xếp, phường Lê Lợi sẽ đổi thành tên phường Ngô Quyền, như thế người dân sẽ phải đi đổi lại hàng loạt giấy tờ, rất mất thời gian và tiền bạc.
Nỗi lo của ông Thái cũng là nỗi lo của nhiều người dân tại các xã, phường thuộc diện phải sắp xếp.
Ông Đinh Duy Hưng, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây cho biết, các cơ quan chức năng của thị xã sẽ hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính. Trong đó, việc đổi căn cước sẽ được thực hiện hoàn toàn miễn phí.
Ngoài ra, khi triển khai sáp nhập, thị xã sẽ cử các tổ công tác xuống trực tiếp tổ dân phố để hỗ trợ người dân chuyển đổi giấy tờ tùy thân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, các đơn vị hành chính liên quan đến việc điều chỉnh trong việc thay đổi địa chỉ, giấy tờ, con dấu.
Tương tự, UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể cả về nội dung và thời gian làm việc để hướng dẫn UBND phường trong việc giải quyết các vấn đề cần thiết nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, hoạt động kinh doanh.
Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, chủ trương của thành phố là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ hành chính. Đối với toàn bộ giấy tờ thủ tục hành chính để thay đổi địa danh, tên gọi của đơn vị hành chính, Ban Chỉ đạo thành phố đã có chỉ đạo Công an thành phố và các cơ quan chuyên môn thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn.