Sáp nhập đơn vị sự nghiệp ngành Y tế Hà Tĩnh phù hợp thực tiễn
Sáng 10/5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Tĩnh về công tác tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quản lý sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Theo báo cáo, Sở Y tế hiện có 2 chi cục quản lý nhà nước, 6 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 trung tâm sự nghiệp tuyến tỉnh, 12 bệnh viện tuyến huyện và 1 BVĐK khu vực (cửa khẩu quốc tế Cầu Treo).
Thực hiện việc thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy ngành theo Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh, Sở Y tế đã tổ chức lại bộ máy ngành. Thực hiện giải thể Trung tâm tư vấn dịch vụ Dân số - KHHGĐ; chuyển giao Trung tâm Dân số - KHHGĐ cấp huyện, Trung tâm YTDP cấp huyện và Trạm Y tế xã thuộc Sở Y tế về UBND huyện quản lý.
Cơ cấu bộ máy ngành được tinh gọn hơn. Sở Y tế từ 7 phòng xuống còn 6 phòng; giải thể được 1 đơn vị và 21 phòng khám đa khoa khu vực (từ 22 phòng khám còn 1 phòng),
Tuy nhiên, do tổ chức bộ máy ngành Y tế tách nhập quá nhiều lần trong một thời gian ngắn nên ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, tư tưởng cán bộ. Việc phân cấp quản lý các đơn vị trực thuộc có nhiều thay đổi, chưa thống nhất, đồng bộ việc quản lý từ tỉnh đến cơ sở nên khó khăn trong việc quản lý điều hành của Sở đối với hoạt động chuyên môn của trung tâm YTDP tuyến huyện và các trạm y tế cấp xã.
Cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành còn phân mảnh, nhiều đầu mối, chưa thực sự tinh gọn. Một số bệnh viện quá tải bệnh nhân nhưng chưa được nâng quy mô giường bệnh…
Trong giai đoạn chờ kiện toàn bộ máy theo Thông tư liên tịch 51, một số đơn vị chưa kiện toàn tổ chức bộ máy như: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Pháp y…
Về định hướng sắp xếp bộ máy trong thời gian tới, theo tinh thần Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV, Sở Y tế đã xây dựng đề án theo hướng thống nhất mô hình quản lý y tế theo ngành dọc từ tỉnh đến cơ sở; sáp nhập các đơn vị có cùng chức năng tương đồng; thành lập trung tâm y tế huyện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh trên cơ sở sáp nhập trung tâm YTDP cấp huyện vào BVĐK cấp huyện trên cùng địa bàn; chuyển BVĐK khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thành cơ sở II của Trung tâm Y tế Hương Sơn; tiến hành phân nhóm các đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo khả năng tự chủ của đơn vị theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP.
Ngành Y tế kiến nghị phân cấp việc chủ động tuyển dụng nhân lực cho ngành về cơ cấu các ngạch cần tuyển trên cơ sở số lượng biên chế được giao hàng năm của UBND tỉnh; nâng quy mô giường bệnh các bệnh viện trên cơ sở nhu cầu KCB thực tế của người dân trên địa bàn (bao gồm giường bệnh kế hoạch và giường bệnh xã hội hóa); có chính sách tuyển dụng vào biên chế viên chức cho các đối tượng đang hợp đồng tại các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, đặc biệt là các cán bộ làm công tác chuyên môn đã được đào tạo; bổ sung biên chế công chức cho Sở Y tế vì khối lượng công việc nhiều.
Đối với Trung ương, cần thống nhất mô hình y tế trong cả nước và có tính ổn định lâu dài. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển hệ thống Y tế, quan tâm chính sách đặc thù đối với ngành y tế, trong đó có chế độ phụ cấp thâm niên, lương khơi điểm cho bác sỹ…
Thay mặt Đoàn giám sát, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc. Sau cuộc làm việc với Sở Nội vụ và UBND tỉnh sắp tới, Đoàn sẽ có kết luận chính thức gửi Sở Y tế.
Về phía ngành Y tế, trong xây dựng Đề án sáp nhập các đơn vị sự nghiệp của ngành cần cân nhắc, thận trọng, đặc biệt cần có sự sáng tạo, mạnh dạn để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương; tập trung để xây dựng một số bệnh viện trở thành những “cánh chim đầu đàn” của khu vực.