Sáp nhập là điều không thể tránh khỏi đối với ngành dầu mỏ Canada
Thời gian gần đây, Canada chứng kiến việc các công ty tư nhân rời bỏ ngành cát dầu, vì việc ưu tiên giảm khí thải của chính phủ nước này.
Trên thực tế, dầu thô của Canada đã phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy được giao dịch vào năm ngoái và thậm chí cả năm trước đó khi ngành công nghiệp dầu khí bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu đường ống khiến việc xuất khẩu có chi phí vô cùng đắt đỏ. Đây cũng là thời điểm hoàn hảo đối với các công ty năng lượng của Canada đang tìm cách tăng cường hoạt động và làm cho chúng tiết kiệm hơn.
Bất chấp việc giá cả đang được cải thiện, các công ty dầu mỏ của Canada vẫn chưa có được vị thế tốt nhất khi chính phủ liên bang đưa ra nhiều cam kết về khí hậu hơn. Kết quả là, chi tiêu vốn đang giảm xuống, kéo theo đó là sản lượng giảm theo.
Tờ Financial Times hồi tháng 8 đưa tin, sản lượng dầu thô của Canada đạt 3,5 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2021 khi ngành công nghiệp này phục hồi sau những ảnh hưởng tồi tệ nhất của đại dịch trong năm đầu tiên. Đây là mức cao kỷ lục, điều này có vẻ phi lý khi cát dầu của Canada đang gặp phải rắc rối với các cơ quan quản lý, chính phủ và thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ trong vài năm qua.
Cát dầu Canada là một cách khai thác dầu thô đặc biệt sử dụng nhiều carbon. Do đó, các nhà khai thác cát dầu phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt về môi trường. Đồng thời, chính phủ của Thủ tướng Trudeau có tham vọng lớn trong việc giảm lượng phát thải carbon, bao gồm việc đưa giá carbon từ mức 16 USD/tấn, tăng lên 134 USD/tấn vào năm 2030. Trong khi đó, chính quyền Mỹ đang cấm các đường ống dẫn dầu của Canada và điều ắt hẳn gây tổn hại lớn nhất là kêu gọi OPEC + thúc đẩy sản lượng thay vì chuyển sang đồng minh Canada.
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Canada có thể đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện hữu. Có thể mất một thời gian, song nếu điều này và chính phủ liên bang trong tương lai tiếp tục theo đuổi lộ trình giảm phát thải, dầu mỏ của Canada có nguy cơ sụp đổ chậm nhưng chắc chắn.
FT dẫn lời nhà phân tích Al Salazar thuộc công ty tư vấn Enverus cho biết: "Nếu các chính phủ nghiêm túc thực hiện mục tiêu không phát thải ròng, thì nguồn cung có chi phí cao và nhạy cảm với ESG như cát dầu của Canada sẽ không thể tăng trưởng và sự tồn tại tiếp tục của chúng sẽ là một vấn đề đáng bàn".
Đây là lúc việc sáp nhập bắt đầu phát huy tác dụng và lý do tại sao việc vội vã rút khỏi cát dầu của các công ty tư nhân không thể đến vào thời điểm tốt hơn cho những công ty quyết tâm tồn tại.
Người đứng đầu bộ phận đầu tư tại ngân hàng TD Bank, Scott Barron nói: "Mọi người đều muốn thấy ngành dầu mỏ quy mô hơn, an toàn hơn. Đó là một trong những động lực giải thích tại sao chúng ta đang thấy sự sáp nhập nhiều hơn".
Đây không hẳn là điều tốt đối với dầu mỏ của Canada, nhưng vẫn còn hy vọng cho tương lai. Dầu vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Canada, mang lại doanh thu xuất khẩu lớn. Canada cũng là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho nước tiêu thụ lớn nhất thế giới - Mỹ. Lượng xuất khẩu này thực tế không hề giảm trong thời gian gần đây. Xuất khẩu dầu từ Canada sang Mỹ tiếp tục tăng mạnh bất chấp việc hủy bỏ đường ống Keystone XL và các dự án đường ống khác đang gặp thách thức bởi các nhà quản lý và những người biểu tình có tổ chức.
Lượng khí thải của Canada vẫn tiếp tục tăng mặc dù chính quyền Thủ tướng Trudeau đã tuyên bố mục tiêu giảm khí thải đáng kể.