Sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố - những kết quả đạt được

Tại thời điểm tháng 6/2017, tỉnh có 2.058 thôn, xóm, tổ dân phố. Trong đó, có 297 tổ dân phố, 1.761 thôn, xóm. Có 1.164/1.761 thôn, xóm quy mô dưới 100 hộ, chiếm 66%, thôn, xóm nhiều hộ nhất là 421 hộ, ít nhất 10 hộ; có 174/194 tổ dân phố quy mô dưới 150 hộ (chiếm 90%), tổ dân phố nhiều hộ nhất là 310 hộ; ít nhất 40 hộ; có 79/103 tổ dân phố (khu phố) thuộc thị trấn có quy mô dưới 150 hộ (chiếm 77%), tổ dân phố nhiều hộ nhất là 368 hộ, ít hộ nhất 21 hộ.

Ban quản lý xóm Kha Lẹ, xã Địch Giáo (Tân Lạc) tuyên truyền, vận động nhân dân chủ trương sáp nhập thôn, xóm.

Nhìn chung, các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, quy hoạch chưa đồng bộ, do đó, việc huy động tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng KT-XH, hệ thống phúc lợi công cộng khó khăn; kinh phí chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố quá lớn (khoảng 184,8 tỷ đồng/năm).

Thực hiện Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” (Đề án 1084), UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo; ban hành Kế hoạch số 85/KH-BCĐ, ngày 30/8/2017 về việc triển khai, thực hiện Đề án 1084. Trong đó, lựa chọn 22 đơn vị hành chính cấp xã đăng ký làm điểm (mỗi huyện, thành phố lựa chọn 02 đơn vị). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có 20/22 xã thực hiện, 2 đơn vị chưa thực hiện là: xã Giáp Đắt (Đà Bắc) do phải tập trung khắc phục ảnh hưởng của đợt mưa bão; xã Vạn Mai (Mai Châu) do chưa đảm bảo tỷ lệ cử tri tán thành phương án sáp nhập, kiện toàn.

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-HĐND, ngày 8/12/2017; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND, ngày 5/1/2018 về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên và thành lập mới thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trong đó, sáp nhập 82 thôn, xóm để thành lập, đặt tên 41 thôn, xóm; sáp nhập 39 tổ dân phố để thành lập, đặt tên 19 tổ dân phố; đổi tên 2 tổ dân phố và thành lập mới 1 xóm (xóm Tháu, thuộc xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình).

Như vậy, sau khi thực hiện Đề án 1084, toàn tỉnh đã giảm 60 thôn, xóm, tổ dân phố (40 thôn, xóm và 20 tổ dân phố); kinh phí giảm chi từ việc chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể 1 năm giảm khoảng 4,7 tỷ đồng.

Sau thực hiện thí điểm, UBND tỉnh đã họp sơ kết, rút kinh nghiệm kết quả đạt được và những mặt tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Từ kết quả triển khai và kinh nghiệm được rút ra từ việc thực hiện thí điểm, theo chủ trương của BTV Tỉnh ủy, ngày 12/9/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND về triển khai, thực hiện sắp xếp thôn, xóm, tổ dân phố trên phạm vi toàn tỉnh. Kế hoạch đề ra 8 bước để các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện. Với mục tiêu là tinh gọn, đảm bảo hoạt động ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp xã; giảm số người làm việc, giảm chi phí hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách và các tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố; góp phần phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương...

Chủ trương trên được cụ thể hóa trong các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại các kỳ họp: Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVI (tháng 12/2018) đã xem xét, quyết định: nhập, điều chỉnh 641 thôn, xóm và đặt tên đối với 320 thôn, xóm, đổi tên đối với 8 thôn, xóm; toàn tỉnh giảm thêm 406 thôn, xóm, tổ dân phố. Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVI (kỳ họp bất thường, tháng 4/2019) đã xem xét, quyết định: nhập 134 thôn, xóm, khu phố và đặt tên đối với 65 thôn, xóm, tổ dân phố, đổi tên 02 xóm, khu phố; toàn tỉnh giảm thêm 69 thôn, xóm, khu phố. Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVI (tháng 7/2019) đã xem xét, quyết định: nhập, điều chỉnh 87 thôn, xóm, khu phố và đặt tên mới đối với 45 thôn, xóm, khu phố; đổi tên 4 xóm và thành lập mới 1 xóm; toàn tỉnh giảm thêm 41 thôn, xóm, tổ dân phố.

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với sự quyết tâm cao đã triển khai, thực hiện đề án, kế hoạch sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên phạm vi toàn tỉnh đảm bảo đúng yêu cầu đề ra. Các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; đồng thời kịp thời hướng dẫn và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và sau sáp nhập, do vậy tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định, toàn tỉnh đã nhập, điều chỉnh đối với 936 thôn, xóm để đặt tên 467 thôn, xóm; nhập, điều chỉnh đối với 222 tổ dân phố để đặt tên 113 tổ dân phố; đổi tên đối với 13 thôn, xóm và 3 tổ dân phố; thành lập mới 2 xóm. Đến nay, toàn tỉnh còn 1.482 thôn, xóm, tổ dân phố, giảm 576 thôn, xóm, tổ dân phố; theo đó, giảm khoảng 2.300 người hoạt động không chuyên trách và giảm 2.880 tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố; tiết kiệm ngân sách từ việc chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố khoảng 51,7 tỷ đồng/năm).

V.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/136529/sap-nhap-thon,-xom,-to-dan-pho---nhung-ket-qua-dat-duoc.htm