Sáp nhập tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận: Giao thông đa dạng, liền mạch
Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước sau sáp nhập nhưng tỉnh Lâm Đồng mới có hệ thống giao thông đa dạng, liền mạch để kết nối cao nguyên, vùng biển và các tỉnh Đông Nam bộ.
Theo đề án sắp xếp, tỉnh Lâm Đồng sẽ có diện tích lớn nhất cả nước. Người dân đồng tình khi ba tỉnh nhập với nhau sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ưu thế kết nối liên vùng.

Tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có diện tích lớn nhất cả nước.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có đầy đủ các phương thức giao thông gồm: hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển và cả đường thủy nội địa.
Trong đó, đường hàng không có sân bay quốc tế Liên Khương (thuộc địa bàn huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng).
Tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua tỉnh Bình Thuận, chạy dọc theo hướng Bắc - Nam, với 14 ga đường sắt (từ ga Vĩnh Hảo đến ga Gia Huynh, trong đó ga chính là ga Bình Thuận, các ga còn lại là ga hỗn hợp, chủ yếu phục vụ cho các đoàn tàu khách và tàu hàng Bắc – Nam).
Đáng quan tâm, giao thông đường bộ kết nối thông suốt ba tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng có hai tuyến chính gồm:
Quốc lộ 28: Bắt đầu từ thành phố Phan Thiết đến huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận qua huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng (giao cắt với quốc lộ 20) và kết nối với huyện Đắk Glong, thành phố Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông (giao với đường Hồ Chí Minh).

Quốc lộ 28 đang dần hoàn thiện, nối liền mạch 3 tỉnh
Quốc lộ 55: Kết nối huyện Hàm Tân (giáp ranh huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đi qua huyện Bảo Lâm, TP Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng (giao với quốc lộ 20); tiếp tục đi theo tuyến đường tỉnh ĐT.725 và đường vào Thủy điện Đồng Nai 4 (được quy hoạch là Quốc lộ 55) qua thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, kết nối với quốc lộ 28 thuộc huyện Đắk Glong tỉnh Đắk Nông.
Cùng với đó, việc kết nối giữa 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng còn có nhiều tuyến đường hiện hữu gồm:
Quốc lộ 28B bắt đầu từ ngã ba thị trấn Lương Sơn (giao quốc lộ 1) đến huyện Bắc Bình, thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận đến huyện Đức Trọng thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng (giao với quốc lộ 20). Hiện, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng đang được triển khai thi công.

Quốc lộ 55 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận
Đường tỉnh 717 (ĐT.717) thuộc địa phận hai huyện Đức Linh và Tánh Linh nối từ Tà Pao tới Tà Pứa đến đường B’Sa – Bà Gia thuộc huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng (giao với Quốc lộ 20).
Các tuyến giao thông hiện hữu kết nối giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông gồm:
Tỉnh lộ 4B kết nối huyện Đắk Glong, huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông với tỉnh lộ 722C (quy hoạch) huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng (giao với quốc lộ 27).
Như vậy, tỉnh Lâm Đồng có đủ hệ thống giao thông đường bộ kết nối các địa phương, vùng kinh tế. Trong đó, kết nối TP Đà Lạt với TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông thông qua tuyến quốc lộ 20 và quốc lộ 28 với tổng chiều dài khoảng 170km; kết nối Đà Lạt với thành phố Phan Thiết, Bình Thuận thông qua quốc lộ 20, quốc lộ 28B với tổng chiều dài khoảng 160km.

Tuyến đường kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng
Thành phố Đà Lạt được kết nối với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM qua quốc lộ 20 với tổng chiều dài hơn 300km, kết nối vùng biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) qua hệ thống quốc lộ 27C với chiều dài trên 130km.
Trong tương lai, tuyến cao tốc từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Liên Khương (Lâm Đồng), cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, tuyến nối Ninh Thuận - Lâm Đồng được đầu tư sẽ mở ra sự phát triển cho địa phương.