Sáp nhập tỉnh - Tư duy mới cho phát triển đất nước

Sáp nhập tỉnh để tạo ra một không gian mới, động lực mới cho phát triển đất nước là con đường tất yếu phải đi để Việt Nam bước vào kỷ nguyên của hùng cường và thịnh vượng. Tuy nhiên để làm được điều đó, quá trình thực hiện chủ trương này phải đảm bảo được tính khách quan, minh bạch, công tâm, nhất là đối với công tác cán bộ. Nếu không sẽ có nhiều tiêu cực nảy sinh, cơ hội phát triển sẽ vụt mất. Đây vốn dĩ là một bài toán không hề dễ dàng.

Một trong những vấn đề quyết định sự thành công của công cuộc sáp nhập tỉnh là bố trí nhân sự sau sáp nhập.

Nhìn lại công cuộc sắp xếp và tinh gọn bộ máy đã thực hiện trong những năm trước đây, có thể thấy, hạn chế lớn nhất đó là việc sáp nhập một cách cơ học, tinh giản biên chế chủ yếu rơi vào đối tượng nghỉ hưu.

Hơn nữa trong quá trình tinh gọn bộ máy hiện nay, một thực tế là không ít cơ quan đã trao sự chủ động rời đi cho cán bộ công chức, viên chức, thay vì xem đây là cuộc rà soát thực sự "ai nên ở lại, ai phải ra đi", theo đúng đòi hỏi công việc và vai trò, năng lực thực sự của mỗi người.

Đặc biệt, hãy thử hình dung, khi hai bộ máy hợp nhất, đội ngũ lãnh đạo chủ chốt hay là ủy viên ban thường vụ của 2 tỉnh hợp nhất lại sẽ giữ nguyên để tạo một bộ máy mới hay cần có sự sắp xếp, cân đối hài hòa như thế nào?

Liệu có xảy ra tình trạng cục bộ, địa phương chủ nghĩa? Liệu có sự chênh lệch về quyền lực giữa các nhóm cán bộ của 2 tỉnh mà tạo ra mâu thuẫn nội bộ?

Điều này thực tế đã từng xảy ra.

Cần những giải pháp thấu đáo, cụ thể để có thể giải quyết bài toán nhân sự vốn không hề dễ dàng này.

QUỲNH HOA - SỸ HIẾU - HƯƠNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sap-nhap-tinh-tu-duy-moi-cho-phat-trien-dat-nuoc-post871210.html