Sáp nhập trung tâm GDNN-GDTX: Cần 'quy về một mối' trong quản lý
Sáp nhập các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX là việc làm cần thiết, đúng đắn và hợp lý, song, cần tính đến 'quy về một mối' trong quản lý để khắc phục khó khăn.
Trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nêu: “Đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cả nước để có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển hệ thống này trong thời gian tới”.
Sáp nhập các trung tâm là việc làm cần thiết, đúng đắn và hợp lý
Ngày 19/10/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Trong gần 10 năm qua, các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp trên cả nước tiến hành sáp nhập, hoạt động đã và đang đem lại hiệu quả nhất định: giúp học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, hoặc học sinh đang học dở trung học phổ thông mà nghỉ ngang, đều có thể tiếp tục được đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Đình Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Yên Bái cho rằng: “Việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là việc làm cần thiết, đúng đắn và hợp lý.
Chủ trương sáp nhập đã mang lại nhiều thuận lợi trong việc quản lý, chỉ đạo thực hiện cả 2 nhiệm vụ giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp; ngoài ra, giúp giảm đầu mối, giảm biên chế quản lý, khai thác được tối đa số giáo viên của cả 2 đơn vị.
Việc “quy về một mối” giúp công tác quản lý chỉ đạo tập trung hơn, thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, giúp giảm đầu mối, khai thác tối đa số giáo viên và giảm biên chế quản lý mà công việc vẫn hoàn thành”.
Đồng quan điểm đó, ông Trần Văn Biên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) cũng đánh giá, việc sáp nhập này mang lại 2 thuận lợi, giúp tận dụng được cơ sở vật chất và tinh gọn bộ máy.
Chia sẻ thêm về hiệu quả thực tiễn triển khai tại địa phương, ông Trần Văn Biên cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Nam Định, trước năm 2018, có những loại hình trung tâm gồm: trung tâm dạy nghề cấp huyện, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp cấp huyện và trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện. Sau đó, 3 loại hình này đã sáp nhập lại thành một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện theo Thông tư liên tịch 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV.
Riêng ở huyện Hải Hậu, sau 2 năm sáp nhập, đã giảm từ 3 giám đốc, 6 phó giám đốc xuống còn 1 giám đốc và 2 phó giám đốc. Đội ngũ hành chính cũng được tinh gọn hơn. Đồng thời, trước đây, ở trung tâm cũng thực hiện việc liên kết đào tạo đội ngũ cán bộ trên địa bàn, liên kết đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu nên sau khi sáp nhập đã tận dụng được cơ sở vật chất của cả 3 loại hình kể trên”.
Khó khăn bộn bề, trách nhiệm quản lý nên “quy về một mối”
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi, đại diện các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên này đều đưa ra cùng một đánh giá về những khó khăn trong công tác quản lý, điều động đội ngũ của các trung tâm sau khi sáp nhập.
Theo ông Lê Đình Cương, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hiện nay do Ủy ban nhân dân huyện quản lý, nên còn nhiều bất cập về công tác điều động đội ngũ, cung cấp trang thiết bị dạy học và đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các trung tâm phần lớn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên nhiều hơn giáo dục nghề nghiệp.
Chung quan điểm trên, ông Trần Văn Biên chỉ ra 3 khó khăn chính còn tồn tại sau thời gian thực hiện sáp nhập gồm công tác phối hợp giao nhiệm vụ, thi đua khen thưởng và kiểm định chất lượng.
Ông Biên chỉ rõ, thứ nhất, về phối hợp giao nhiệm vụ: Sau khi sáp nhập, Ủy ban nhân dân huyện là đơn vị quản lý trực tiếp trung tâm, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý lĩnh vực giáo dục thường xuyên, còn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý về giáo dục nghề nghiệp.
Khó khăn trong công tác phối hợp giao nhiệm vụ nằm ở việc Ủy ban nhân dân huyện là đơn vị “giao người”, “giao tiền” nhưng lại không “giao việc”. Ngược lại, phía Sở Giáo dục và Đào tạo hay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị “giao việc” nhưng lại không nắm rõ năng lực của đội ngũ trung tâm.
Việc thi đua khen thưởng sau sáp nhập cũng còn vướng mắc, khi thi đua khen thưởng của lĩnh vực giáo dục thường xuyên tổ chức theo năm học - chung một nhịp với các trường phổ thông trên toàn tỉnh (do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý); trong khi đó, thi đua khen thưởng đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp lại tính theo năm hành chính của Ủy ban nhân dân huyện”.
Ông Trần Văn Biên cũng nêu ra một số bất cập trong công tác kiểm định chất lượng: “Mỗi trung tâm sẽ kiểm định chất lượng chu kỳ 5 năm/lần. Theo Thông tư 15/2017/TT-BLĐTBXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra 8 tiêu chí và 50 tiêu chuẩn đánh giá dành cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo Công văn 5647/BGDĐT-QLCL 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có bộ tiêu chuẩn riêng để đánh giá chất lượng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Ngoài ra, cấp độ xếp hạng của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn sẽ liên quan và quyết định tới chỉ số xây dựng nông thôn mới. Do đó, khi các trung tâm tiến hành kiểm định, thường không biết theo bên nào, vì 2 Bộ định nghĩa tiêu chí và tiêu chuẩn khác nhau”.
Chia sẻ về kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm trong thời gian tới, ông Trần Văn Biên đề cập: “Hiện nay, còn một câu hỏi rất khó tháo gỡ, đó là “Việc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên do Ủy ban nhân dân huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo hay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý sẽ hiệu quả hơn?”.
Với cá nhân tôi, nên quy về một đơn vị quản lý để vừa phân chia nhân lực, nhiệm vụ, vừa thuận lợi trong việc thực hiện cấp ngân sách”.
Liên kết với trường cao đẳng, trung cấp, được xem là một hướng đi mở
Không chỉ sáp nhập giữa các trung tâm, hiện nay, phần lớn trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cũng thực hiện việc liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn để tiến hành giảng dạy chương trình 9+ cho học sinh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Chuẩn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) cho biết, những năm gần đây, trung tâm vẫn liên kết với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam (trên địa bàn tỉnh Đắk Nông) theo hình thức hợp tác tuyển sinh.
Theo đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song dạy chương trình giáo dục phổ thông còn Trường Trung cấp Phương Nam sẽ đào tạo nghề.
Năm học 2023-2024 vừa qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song tuyển sinh 220 chỉ tiêu cho cả 3 khóa học, riêng đối với lớp 10 là 120 chỉ tiêu. Với giáo dục nghề nghiệp thì tổ chức giảng dạy một số nghề như chế biến món ăn, chăn nuôi thú ý, trồng trọt, dệt thổ cẩm và điện dân dụng.
“Việc hợp tác này tạo thuận lợi giúp các em học sinh có thể cùng lúc học song song 2 chương trình. Trường Trung cấp Phương Nam khi có học sinh ở huyện Đắk Song, sẽ đưa về học tập tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song.
Ngược lại, đối với học viên khi đăng ký vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song, mà không có môn nào tại trung tâm, sẽ được đưa lên học tại Trường Trung cấp Phương Nam” - ông Nguyễn Trọng Chuẩn cho biết thêm.
Mặc dù có nhiều thuận lợi trong việc liên kết với các trường nghề để cùng đào tạo học viên, song, vấn đề nếu sáp nhập các trung tâm với trường nghề lại đặt ra nhiều thách thức và nhận về những ý kiến trái chiều. Không ít chuyên gia đánh giá, nếu sáp nhập trung tâm với trường nghề sẽ gây nhiều khó khăn.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song cũng không ngần ngại chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, nếu thực hiện sáp nhập trung tâm với trường nghề trong tương lai.
Về mặt thuận lợi, chẳng hạn, hiện tại, trung tâm đang thiếu giáo viên dạy nghề, thì khi sáp nhập với các trường cao đẳng, trung cấp nghề, các lớp sơ cấp sẽ có thêm giáo viên dạy nghề.
Tuy nhiên, các trường cao đẳng, trung cấp nghề sẽ không được đào tạo giáo dục thường xuyên theo Luật Giáo dục 2019 đã quy định.
“Bên cạnh đó, việc chỉ đạo trong vấn đề giải quyết phân luồng học sinh cũng sẽ gặp khó khăn. Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ chỉ đạo phân luồng học sinh sát sao hơn.
Trong trường hợp nếu sáp nhập với các trường cao đẳng, trung cấp nghề, tôi cho rằng, nên đặt địa điểm các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện, để học sinh vừa học phổ thông vừa thuận tiện trong việc học nghề. Nếu chuyển địa điểm đào tạo đến thành phố hay các huyện, thị xã khác, các em sẽ phải đi học tương đối xa. - ông Chuẩn phân tích thêm.