Sắp thanh tra 3 công ty đại chúng bất động sản phát hành trái phiếu
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuẩn bị triển khai kế hoạch thanh tra theo kế hoạch năm 2023 đối với 1 công ty đại chúng, trong đó có nội dung đánh giá về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và xây dựng kế hoạch kiểm tra 3 công ty đại chúng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có liên quan đến bất động sản năm 2023.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBCKNN trong nửa cuối năm, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Hiện Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang xác minh làm rõ đối với 2 công ty chứng khoán (Công ty chứng khoán Quốc tế Việt Nam và Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương chậm nộp báo cáo định kỳ quý I/2023 của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu).
Số liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối với lĩnh vực bất động sản trong quý II năm 2023 có sự biến động đáng kể vào tháng 6/2023 với 13 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng, mức lãi cao so với mặt bằng chung 12-14%. Con số này tăng mạnh so với tháng 5/2023 chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.
Theo Finn Group, trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài, các sự kiện vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng gia tăng. Lĩnh vực bất động sản có số lượng tổ chức phát hành vỡ nợ lớn nhất (56/98), tỷ lệ vỡ nợ cao nhất và giá trị trái phiếu lưu hành lớn nhất (gần 400.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% dư nợ cho vay của cả nước và chiếm gần 34% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành).
Hiệu suất thu nhập của các nhà phát triển bất động sản có xu hướng giảm kể từ quý I/2022. Tính riêng quý I/2023, doanh thu thuần giảm 45,7% và thu nhập ròng giảm 70,5% so với cùng kỳ. Nhiều dự án bất động sản vẫn còn vướng thủ tục pháp lý và thiếu vốn khi ngân hàng hạn chế cho vay, khiến việc bán hàng bị trì hoãn. Ngoài ra, hầu hết nguồn cung trên thị trường được tạo thành từ các bất động sản cao cấp và khu nghỉ dưỡng, chiếm hơn 70%, nhu cầu mua thấp nên doanh nghiệp càng khó xoay xở.
Điểm tích cực là ngành ngân hàng có chính sách giãn, hoãn nợ, việc này có ý nghĩa quan trọng đối với các tổ chức phát hành trái phiếu có vấn đề, dù lãi suất gia hạn nợ thường cao hơn từ 1 - 3%/năm. Bên cạnh đó, không ít tổ chức phát hành cấp đầu tư (trái phiếu được xếp hạng từ trung bình trở lên) đã và đang thực hiện giảm áp lực nợ vay bằng cách mua lại trái phiếu trước hạn.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Finn Group nhận định, theo nghiên cứu của tổ chức này, có 4 yếu tố tác động đáng lưu ý với lĩnh vực bất động trong thời gian tới. Thứ nhất là chính sách về bất động sản (như thu hồi đất), về phát hành trái phiếu, về tín dụng ngân hàng. Thứ hai là doanh số nhà ở hàng tháng và tình hình giao dịch trên thị trường thứ cấp. Thứ ba là hiệu suất thu nhập của các doanh nghiệp, lãi suất và khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng. Thứ tư là cơ chế thị trường trong tái cơ cấu nợ, mua bán - sáp nhập và chuyển nhượng dự án.