Sắp thông qua Nghị quyết yêu cầu Tòa án công lý quốc tế cho ý kiến về biến đổi khí hậu
Theo tin từ Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Thư ký LHQ António Guterres mới có buổi làm việc cùng các Đại sứ của Nhóm nòng cốt dự thảo Nghị quyết xin ý tư vấn Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về vấn đề biến đổi khí hậu. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam, thành viên Nhóm nòng cốt, đã tham gia buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Nhóm nòng cốt khẳng định với Tổng Thư ký dự thảo Nghị quyết là kết quả quá trình tham vấn tích cực của Nhóm cùng tất cả các quốc gia thành viên LHQ trong thời gian qua.
Các Đại sứ cho rằng Nghị quyết này khẳng định vai trò của hợp tác đa phương, nhất là các cơ chế của LHQ, trong giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu.
Nghị quyết cũng sẽ giúp thúc đẩy hành xử của các nước phù hợp hơn với các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững.
Trao đổi cùng các Đại sứ, Tổng Thư ký nhấn mạnh biến đổi khí hậu đã và đang là thách thức nghiêm trọng đối với toàn thể cộng đồng quốc tế. Vì vậy, LHQ nói chung và cá nhân Tổng thư ký nói riêng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này.
Tổng Thư ký đánh giá cao nội dung dự thảo Nghị quyết và các nỗ lực của Nhóm nòng cốt để đạt được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đông đảo các nước thành viên; đồng thời cam kết cũng sẽ dành sự ủng hộ tối đa cho Nghị quyết này trong quá trình xem xét và triển khai thực hiện.
Đại hội đồng (ĐHĐ) dự kiến sẽ chính thức thông qua dự thảo Nghị quyết tại phiên họp toàn thể ngày 29/3/2023. Đến nay, đã có 116/193 nước thành viên LHQ đồng bảo trợ Nghị quyết. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia trong quá trình xây dựng nội dung dự thảo Nghị quyết với gần 50 cuộc họp của Nhóm và với toàn bộ các nước thành viên LHQ.
Nhóm nòng cốt là một hình thức các nước thành viên LHQ chia sẻ quan điểm, phối hợp hành động về các quan tâm chung. Nhóm nòng cốt về việc xin ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về biến đổi khí hậu bao gồm 18 nước, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý (Angola, Antigua and Barbuda, Bangladesh, Costa Rica, Micronesia, Liechtenstein, Đức, Morocco, Mozambique, New Zealand, Bồ Đào Nha, Romania, Samoa, Sierra Leone, Singapore, Uganda, Vanuatu, Việt Nam).